Sức khỏe

Phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi cho trẻ em dân tộc thiểu số

Thứ ba, 22/3/2022 | 11:22 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND về phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.

Cụ thể, thông qua kế hoạch, tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi và tình trạng thiếu năng lượng trường diễn của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng; số lượng và chất lượng bữa ăn của trẻ dưới 5 tuổi và phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 2 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Theo đó, trong thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu nghiên cứu, vận dụng các chính sách về bảo hiểm y tế để chi trả dịch vụ tư vấn và điều trị phục hồi cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng; chính sách về dinh dưỡng cho trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh chuyển hóa do di truyền và bệnh hiếm; chính sách huy động nguồn ngân sách để thực hiện kế hoạch; chính sách hỗ trợ, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho vùng khó khăn, vùng thường xuyên bị thiên tai.

Tăng cường truyền thông trực tiếp đến đối tượng, khu vực có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao như vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nông dân nghèo và cận nghèo. Nhân rộng các mô hình truyền thông trực tiếp có hiệu quả như phòng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ, nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ, câu lạc bộ dinh dưỡng, thăm hộ gia đình, nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng.

Tăng cường cung cấp các tài liệu, chương trình truyền thông, tư vấn về sức khỏe và dinh dưỡng phù hợp với đặc thù người dân tộc thiểu số, chú trọng nâng cao hiểu biết và thực hành dinh dưỡng hợp lý của phụ nữ, trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc, giáo viên…

Đáng lưu ý, về chuyên môn nghiệp vụ, cần tập trung chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời, cũng như chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; chế độ ăn bổ sung đầy đủ, cân đối cho trẻ dưới 2 tuổi; thực hiện theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ, đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân (bao gồm rửa tay thường xuyên với xà phòng) và vệ sinh môi trường.

Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chương trình, dự án và các giải pháp can thiệp đặc hiệu góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao thể lực và thể chất của người dân khu vực miền núi, vùng nghèo, khó khăn, dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch cũng nêu rõ, cần nâng cao năng lực chuyên mông và quản lý điều hành các chương trình, hoạt động dinh dưỡng cho cán bộ các ngành, các cấp liên quan. Huy động sự tham gia của cộng tác viên công tác xã hội thuộc các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.

Theo đó, Sở Y tế tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai kế hoạch Phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025, gắn với thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2045.

Minh Khang