Kinh tế xanh

Thu hút tài chính xanh thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững

Thứ ba, 23/7/2024 | 10:41 GMT+7
Ngày 22/7, tại TPHCM, các chuyên gia cùng thảo luận đánh giá thực trạng, giải pháp về tài chính xanh trong Diễn đàn tài chính xanh năm 2024 với chủ đề “Khởi tạo mạnh mẽ, gia tăng dòng vốn xanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững”.

Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, tuần hoàn xanh… đã trở thành định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, tài chính xanh được khẳng định là hướng đi cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Theo ước tính, đến năm 2040, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm cho quá trình tăng trưởng kinh tế bền vững. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Các chuyên gia thao luận tại Diễn đàn tài chính xanh năm 2024

Tại diễn đàn, chuyên gia tài chính kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh một số giải pháp giúp gia tăng dòng vốn xanh. Cụ thể, cần tập trung xanh hóa 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn; giao thông đô thị với phương thức vận tải bền vững; chuyển đổi năng lượng sạch; sản xuất tiêu dùng, phân phối sản phẩm; kinh tế biển.

Đặc biệt, cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh, tài chính xanh với quy hoạch, chiến lực phát triển kinh tế - xã hội. Có cơ chế, tiêu chí, phương thức đánh giá tác động môi trường như: dự án, công trình, nhà máy xanh; khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo: xe điện, xe tiết kiệm năng lượng. Xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu…

Đồng quan điểm, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, thị trường vốn xanh đang gặp nhiều thách thức. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển thị trường vốn xanh cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, đào tạo về phát triển bền vững, tài chính xanh cho cơ quan quản lý, thành viên thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng, phát triển thị trường vốn xanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phát hành, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia khẳng định, dù đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu nhưng vấn đề tài chính xanh ở Việt Nam vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là sự đột phá trong việc triển khai từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ, chương trình hành động của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, đến các đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thị trường.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM kiến nghị, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và phát triển bền vững thông qua những chương trình đào tạo, tập huấn. Nâng cao năng lực của quản trị doanh nghiệp, quản trị ESG, năng lực tuân thủ các chuẩn mực tài chính kế toán. Chú trọng đến yếu tố E&S (môi trường & xã hội) ngay từ khi chuẩn bị dự án. Tuân thủ chặt chẽ các quy định về môi trường như kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải.

Việt Nga (T/H)