Thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu tại COP26

Thứ ba, 26/7/2022 | 12:02 GMT+7
Ngày 25/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Đề án nhằm chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển carbon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cụ thể, hướng đến hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện cho phát triển carbon thấp, giảm phát thải. Rà soát, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thủ tục, tạo đột phá cho thu hút các dòng vốn đầu tư, phát triển carbon thấp của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính đầu tư vào Việt Nam thông qua đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật.

Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quốc gia, ngành và địa phương được rà soát, cập nhật, điều chỉnh phù hợp với mục tiêu cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.

Hình thành cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, thị trường giao dịch tín chỉ carbon trong nước. Đến năm 2030, thị trường carbon trong nước được vận hành và kết nối với thị trường carbon các nước trong khu vực và thế giới.

Vận hành và kết nối thị trường carbon trong nước hướng đến liên kết quốc tế

Các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ các nguồn tài nguyên, hệ sinh thái được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu được bảo đảm cơ bản, đặc biệt tại các khu vực dễ bị tổn thương, rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu; các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái, cộng đồng được áp dụng rộng rãi. Phát triển nông nghiệp sinh thái, bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng.

Thực hiện sáng kiến của Liên Hợp Quốc về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái, triển khai Chương trình trồng một tỷ cây xanh vì một Việt Nam xanh.

Thúc đẩy ngoại giao khí hậu, phát triển đồng bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh tăng cường năng lực, truyền thông phục vụ phát triển carbon thấp, giảm phát thải.

Với các mục tiêu trên, quyết định nêu rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp để triển khai tốt cam kết tại Hội nghị COP26. Bao gồm: hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng carbon.

Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh; phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng.

Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông; thúc đẩy ngoại giao khí hậu.

Theo quyết định, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 chỉ đạo, điều phối triển khai thực hiện Đề án theo quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo được ban hành tại Quyết định số 2201/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực triển khai thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan giúp Ban chỉ đạo theo dõi kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức các diễn đàn đối thoại hợp tác triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26.

Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan, trong đó tập trung vào phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh và phát thải carbon thấp; phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thanh Bảo