Nông nghiệp sạch

Tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản an toàn trong mùa dịch

Chủ nhật, 5/9/2021 | 18:20 GMT+7
Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, kết nối cung cầu các sản phẩm trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021 - Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn.

Tại diễn đàn, nhiều sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn đến thời vụ thu hoạch cần tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô đã được giới thiệu để kết nối tới các đơn vị kinh doanh, đơn vị sản xuất. 

Diễn đàn trực tuyến có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện kế hoạch số 181/KH-UBND về đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội trong phòng, chống dịch Covid-19 và giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, góp phần nâng cao giá trị nông sản tại Hà Nội đóng góp cho cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới; góp phần thực hiện chiến lược thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ; giúp các chủ thể OCOP, nông sản thực phẩm an toàn có cơ hội tiếp cận, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều đại diện doanh nghiệp, chủ thể OCOP, ban ngành tham gia diễn đàn kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn

Việc doanh nghiệp, nhà phân phối kết nối ký kết hợp đồng tiêu thụ theo tiêu chuẩn chất lượng không chỉ giúp nông dân yên tâm sản xuất mà còn nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm; thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thủ đô, xây dựng nông thôn mới.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, ban ngành đã đưa ra những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP nông sản, thực phẩm an toàn, trong đó có đề cập đến vấn đề đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, để có thể tham gia thị trường trên, tất cả các kênh bán lẻ, sản phẩm phải tuân thủ các điều kiện chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành sản phẩm.

Bà Hậu đề xuất, phải coi sản phẩm sản xuất ra để bán chính là để cho bản thân, gia đình sử dụng; sản phẩm phải tuân thủ theo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với các giấy phép về VietGAP, GlobolGAP... phải duy trì thời hạn chứng nhận sản phẩm an toàn thì sản phẩm mới vào được hệ thống bán lẻ; phải vận hành bộ máy quản lý đồng bộ từ khâu sản xuất, giới thiệu sản phẩm, phân phối để sản phẩm tham gia vào thị trường một cách tốt nhất.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, thực tế của việc tham gia sàn thương mại điện tử hiện nay còn hạn chế về mặt số lượng, số sàn ít, nhà sản xuất tham gia cũng rất ít. Đã tham gia sàn thương mại điện tử thì phải cung cấp rất nhiều thông tin như mã VietGAP, mã vùng trồng, các điều kiện về an toàn thực phẩm.

“Trong tương lai, để các sản phẩm nông nghiệp phát triển tốt, khai thác tốt nền tảng số để bán hàng thì các nhà sản xuất phải chuyển dần sang sản xuất bền vững, minh bạch thông tin. Không chỉ chuyển đổi số trong kết nối bán hàng mà còn chuyển đổi số trong cả khâu quản lý sản xuất để minh bạch thông tin”, ông Đào Thế Anh nhận định.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, thời gian qua đơn vị đã dữ liệu hóa toàn bộ 32 tỉnh thành phía Bắc về chuỗi nông sản an toàn, thống kê về sản lượng, nhu cầu thực tế và mức độ tiêu dùng của người dân của từng địa phương để chuẩn bị cho những kịch bản khác nhau.

Việt Nga (T/H)