Văn hóa, du lịch

Tổ chức hội thảo về phát huy nguồn lực xây dựng Thủ đô văn hiến

Thứ năm, 16/3/2023 | 10:28 GMT+7
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã họp bàn về công tác chuẩn bị hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Hội thảo là một trong những hoạt động hưởng ứng công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sự kiện hướng tới 3 mục tiêu chính yếu là: xác định rõ các đặc tính văn hóa Hà Nội; vấn đề khoa học và thực tiễn về các nội dung văn hiến, văn minh, hiện đại, tính khoa học trong quá trình phát triển Thủ đô Hà Nội; đề xuất các giải pháp phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại. Chuẩn bị luận cứ khoa học về triết lý phát triển, định hướng phát triển phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa Hà Nội.

Xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại từ giá trị văn hóa

Với mục tiêu trên, hội thảo đã nhận được gần 70 bài tham luận từ nhiều nhà quản lý, chuyên gia văn hóa, nhà nghiên cứu khoa học về các nội dung như: tinh hoa văn hóa Hà Nội và triết lý phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại; định hướng, giải pháp huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả các giá trị, nguồn lực văn hóa trong xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại. Trong đó, nổi bật là nội dung bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, các vùng văn hóa quan trọng của Hà Nội; sáng kiến, giải pháp về khôi phục, cải tạo, khai thác cảnh quan hệ thống sông hồ; phát triển làng nghề truyền thống; giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển tại các không gian phố cổ, làng cổ…

Theo thông tin tại cuộc họp, hội thảo còn có nhiều hoạt động phụ trợ hưởng ứng nội dung xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại. Bao gồm: triển lãm sách, ảnh, tư liệu về hành trình phát triển văn hóa, con người Thủ đô; trưng bày tinh hoa làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa tiêu biểu của Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… tạo điểm nhấn đặc sắc, lan tỏa niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ, phát huy các giá trị, nguồn lực văn hóa cho mục đích phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, hội thảo là sự kiện quan trọng, gợi mở, định hướng cho thành phố nhiều sáng kiến, giải pháp triển khai Nghị quyết 15/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nói chung và các nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nói riêng. Vì vậy, các nội dung, phần việc chuẩn bị cho sự kiện cần được triển khai, thực hiện một cách chặt chẽ, khoa học, bảo đảm tiến độ, kế hoạch đề ra, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện nội dung, in ấn kỷ yếu hội thảo; đẩy mạnh truyền thông trước, trong và sau sự kiện…

Trong đó, các hoạt động trưng bày, triển lãm cần lưu ý lựa chọn tư liệu, hiện vật… thể hiện được tinh hoa văn hóa, không gian trưng bày bảo đảm tính kết nối, cô đọng, hài hòa, làm nổi bật được các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội trong dòng chảy lịch sử.

Lưu ý, trước thời gian tổ chức hội thảo, cần tổ chức tốt các thông tin tại họp báo về sự kiện, dự kiến diễn ra ngày 17/3 và ngày diễn ra hội thảo 21/3.

Huyền Dung