Sức khỏe

Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế hành động để phòng chống thảm họa đại dịch

Thứ năm, 21/9/2023 | 10:55 GMT+7
Tại Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc về ứng phó và phòng chống đại dịch diễn ra vào chiều ngày 20/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh những hậu quả nặng nề của đại dịch và kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hành động để phòng, chống thảm họa đại dịch, bảo vệ sức khỏe toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, hợp tác và đoàn kết quốc tế về cả song phương và đa phương có ý nghĩa quyết định trong nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, nhất là ở các nước đang phát triển. Theo đó, các nước phát triển cần ưu tiên tăng cường khả năng tiếp cận vaccine kịp thời và bình đẳng, hỗ trợ năng lực điều trị, dự báo, công nghệ, an toàn, hiệu quả, ý thức người dân, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất vaccine, thuốc điều trị và hỗ trợ tài chính hiệu quả cho các nước đang phát triển, kém phát triển. Bên cạnh đó, cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết toàn cầu, toàn dân và sự nỗ lực của mọi quốc gia trong phòng chống dịch bệnh; cần tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, coi đây là nhiệm vụ cấp thiết của từng quốc gia và của hợp tác quốc tế.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam ủng hộ kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa an ninh y tế toàn cầu thành ưu tiên trong chương trình nghị sự, để sớm ngăn ngừa, sẵn sàng và ứng phó hiệu quả với các loại dịch bệnh; đồng thời đặt tinh thần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết để phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hành động để phòng, chống thảm họa đại dịch, bảo vệ sức khỏe toàn cầu

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về tác động tiêu cực, lâu dài của đại dịch Covid-19 đối với sức khỏe, tính mạng cũng như việc thụ hưởng các quyền con người. Đại dịch còn làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng về kinh tế - xã hội trong và giữa các quốc gia, bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine Covid-19. Từ đó, các đại biểu kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, điều phối ở cấp cao nhất để đảm bảo tiếp cận công bằng, kịp thời các sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch, trong đó có vaccine và nâng cao khả năng phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó; đề nghị xóa bỏ các hàng rào thương mại, tăng cường chuỗi cung ứng để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển thuốc và các sản phẩm y tế công cộng; khẳng định các quốc gia có vai trò và trách nhiệm chính trong quyết định việc phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó với đại dịch, phù hợp với bối cảnh và ưu tiên của quốc gia.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước khẩn trương hành động để đẩy nhanh việc bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân ở tất cả các quốc gia, giải quyết các rủi ro sức khỏe trong tương lai, bao gồm tình trạng kháng kháng sinh thông qua cách tiếp cận "Một sức khỏe", tăng cường đầu tư xây dựng lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe và y tế toàn cầu.

Hội nghị đã nhất trí thông qua nội dung Tuyên bố chính trị về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch, trong đó đồng thuận sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch vào năm 2026 để đánh giá toàn diện việc triển khai Tuyên bố này.

Ngọc Huyền (T/H)