Sức khỏe

Việt Nam thay đổi mục tiêu kiểm soát ca nhiễm Covid-19

Thứ sáu, 18/3/2022 | 09:08 GMT+7
Theo Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ chuyển dần phương pháp quản lý, tiếp cận, kiểm soát ca nhiễm Covid-19 mới để phù hợp hơn với tình hình hiện nay.

Ngày 17/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Chương trình nêu rõ chủ trương chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro thực hiện trong thời gian 2 năm 2022 - 2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Các đơn vị cần sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống, kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế; tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.

Chương trình nhằm bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19, trong đó đẩy mạnh triển khai việc tiêm vaccine bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót.

Về kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19, mục tiêu đặt ra là tất cả các cấp chính quyền có kịch bản phòng, chống dịch cụ thể; tất cả mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá.

Thay đổi chủ trương chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro

Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn; giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19/1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Tất cả các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị… đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.

Để đạt được những mục tiêu trên, người dân sẽ được tiếp cận dịch vụ y tế sớm và nhanh nhất. Đồng thời, biện pháp chống dịch sẽ giảm thiểu tối đa tác động đến người dân.

Đáng lưu ý, Bộ Y tế được giao sửa đổi các quy định chuyên môn về chống dịch, như đánh giá cấp độ nguy cơ, xét nghiệm, cách ly, điều trị; đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch và tạo điều kiện khôi phục kinh tế.

Thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”; nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (từ nhóm đặc biệt nguy hiểm sang nguy hiểm); các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm.

Trước đó, hồi đầu tháng 3, Bộ Y tế đề xuất dừng thông báo số ca Covid-19 hàng ngày, để tránh gây hoang mang và chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch. Bộ cũng đề xuất cho người nhiễm, người nghi nhiễm đang trong thời gian cách ly được đi làm.

Thời gian gần đây, dù số ca nhiễm cộng đồng tăng nhanh, nhưng do bao phủ vaccine đủ liều cho nhóm dân số từ 12 tuổi nên tỷ lệ tử vong đã giảm. Một tuần qua, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày là 170.000 ca, tăng 39% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, số ca tử vong trung bình mỗi ngày là 75, giảm 14% so với tuần trước.

Thanh Tâm