Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Đồng Nai

Thứ hai, 10/7/2023 | 11:10 GMT+7
Mới đây, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo tham luận lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng nghe các chuyên gia, nhà khoa học trình bày các tham luận nhằm chia sẻ, đóng góp cơ sở khoa học và thực tiễn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ “Lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Bao gồm quy hoạch tài nguyên nước và đề xuất khung phân cấp tài nguyên nước theo kinh nghiệm của Úc và các nước trên thế giới và bài học cho Việt Nam; cân bằng nước lưu vực sông Đồng Nai; phương án phân bổ tài nguyên nước cho các mục đích sử dụng trong điều kiện bình thường, điều kiện hạn hán thiếu nước trên lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; thách thức tài nguyên nước tỉnh Lâm Đồng và lưu vực sông Đồng Nai - đề xuất các giải pháp giải quyết trong những năm tới; phương án phòng chống sạt, lở bờ bãi sông, ngập lụt, bảo vệ chất lượng nước trên lưu vực sông Đồng Nai; phương án phân bổ tài nguyên nước cho các mục đích sử dụng trong điều kiện bình thường, điều kiện hạn hán thiếu nước trên lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; một số vấn đề quan tâm trong quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Đồng Nai; định hướng phòng chống lũ, ngập lụt, sạt lở bờ sông, bảo vệ chất lượng nước trên lưu vực sông Đồng Nai; đề xuất định hướng phân bổ tài nguyên nước cho các mục đích sử dụng tại lưu vực sông Đồng Nai.

Toàn cảnh hội thảo

Theo TS. Trịnh Quang Toàn, Đại học UC. Davis (Mỹ), để tiến hành quy hoạch lưu vực sông, về cơ bản sẽ bao gồm 6 bước như sau: đánh giá và hiểu rõ về lưu vực sông đang được quy hoạch; có đầy đủ thông tin và đánh giá được cộng đồng sử dụng nước trên lưu vực sông; phải xác định được các vấn đề nội tại trên lưu vực; xây dựng các chiến lược nhằm giải quyết được vấn đề; thực hiện quy hoạch; giám sát và cập nhật quá trình thực hiện. 

Từ các bài học và kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch lưu vực trong thế kỷ qua, 10 quy tắc để thiết lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông đã được đúc kết và sử dụng xuyên suốt trong hầu hết các quy hoạch tài nguyên nước và quy hoạch lưu vực sông bao gồm: nâng cao, bổ sung sự hiểu biết tổng thể toàn diện về hệ thống tài nguyên nước của quốc gia (hoặc lưu vực sông); lên kế hoạch và hành động ngay cả khi chưa có đầy đủ thông tin; ưu tiên các vấn đề cần giải quyết tại thời điểm lập quy hoạch và xây dựng quy hoạch theo các mục tiêu ngắn, trung hạn để đạt được mục tiêu dài hạn; phải chấp nhận rằng quy hoạch tài nguyên nước có thể chưa được hoàn chỉnh và không quá cầu toàn; cho phép quy hoạch thích ứng với sự thay đổi (có thể thay đổi mục tiêu ngắn hạn và trung hạn nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu dài hạn); xây dựng các kế hoạch có sự xem xét đa ngành đa lĩnh vực, nhưng vẫn cần có sự nhất quán để đảm bảo mục tiêu đã đề ra; giải quyết các vấn đề quốc gia nhưng vẫn cần tham chiếu với các quy hoạch ở cấp độ thấp hơn nhằm kiểm tra tính phù hợp; lựa chọn cách tiếp cận và phương pháp phù hợp với mục tiêu và nhu cầu tổng thể.

Đánh giá về cân bằng nước lưu vực sông Đồng Nai, ông Nguyễn Vũ Huy (Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam) đề xuất một số định hướng phân bổ nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai như: khai thác lượng nước trên sông chính để cấp nước cho dân sinh và công nghiệp ở các đô thị và khu công nghiệp lớn, trong đó có TPHCM, Biên Hòa, Vũng Tàu và Bình Dương; khai thác lượng nước có sẵn trên các hệ thống sông suối nhỏ và vừa ở vùng đồi núi để phát triển nông nghiệp, chủ yếu là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao và hoa màu; khai thác lượng nước có sẵn trên các hệ thống sông suối nhỏ và vừa ở vùng đồi núi để phát triển nông nghiệp, chủ yếu là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao và hoa màu.

Khai thác tối đa và hiệu quả tiềm năng thủy điện khá lớn trên các sông có khả năng thủy điện như Đồng Nai, La Ngà và sông Bé; khai thác lượng nước trên các sông nhánh và sông chính phía thượng lưu sông Đồng Nai và La Ngà nằm gần vùng ven biển, lợi dụng đầu nước cao để phát điện và tưới cho các khu vực thiếu nước ngọt ven biển; xem xét lượng nước tối thiểu để nuôi dưỡng dòng sông (dòng chảy sinh thái/dòng chảy môi trường) trong các trường hợp có các khai thác quy mô lớn trên sông, nhằm không làm cạn kiệt và biến mất dòng sông; lợi dụng nguồn nước có sẵn và tính toán cân bằng nhằm đảm bảo khả năng chống mặn xâm nhập ở các sông hạ lưu và từng bước tham gia bảo vệ môi trường ở các vùng đô thị lớn…

Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp tổng thể để phân bổ nguồn nước cho toàn lưu vực sông Đồng Nai. Trong đó, giải pháp công trình như xây dựng hệ thống hồ chứa các cấp từ lớn, vừa, nhỏ thậm chí cực nhỏ; xây dựng kênh chuyển nước liên lưu vực và trong lưu vực; hoàn thiện các công trình tưới trong từng tiểu lưu vực/tiểu vùng. Xây dựng quy trình vận hành hồ chứa/hệ thống hồ chứa; nghiên cứu giải pháp thay thế dần nhiệm vụ phát điện là chính sang cấp nước là chính, thậm chí chỉ làm nhiệm vụ cấp nước; xây dựng các quy chế/kỹ thuật sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm; sớm hoàn chỉnh hệ thống bậc thang trên dòng chính sông Đồng Nai; nâng cấp, sửa chữa các công trình hiện có, chú ý an toàn hồ đập; xây dựng thêm hồ chứa nhỏ phân tán; hoàn chỉnh hệ thống công trình tưới và cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch dịch vụ…

Khánh An (T/H)