Bản tin môi trường số 10/2023

Thứ hai, 13/3/2023 | 10:05 GMT+7
Mới đây, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa (CTN) năm 2022.

Đề xuất giải pháp quản lý chất thải nhựa

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Hồ Kiên Trung cho biết, báo cáo nhằm làm rõ thực trạng sản xuất nhựa, tình hình phát sinh, thu gom, tái chế và xử lý CTN, đánh giá công tác quản lý và đề xuất một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm CTN trên toàn quốc. Đây cũng là căn cứ để Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng báo cáo quốc gia trình Chính phủ, phục vụ công tác chuẩn bị tham gia đàm phán công ước.

Hội thảo tham vấn Báo cáo hiện trạng CTN năm 2022

Để giải quyết các khó khăn, thách thức về ô nhiễm nhựa, nhóm chuyên gia đề xuất cần hoàn thiện cơ chế chính sách để giảm thiểu CTN. Trong đó, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và trung hòa nhựa; nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong sản xuất, phân phối, sử dụng, thu gom, tái chế CTN; tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế… Trước mắt, cần ưu tiên xây dựng quy định kỹ thuật về đánh giá khối lượng CTN phát sinh, điều tra thành phần CTN trong chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương; áp dụng một số giải pháp thực hiện ngay như giảm sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng 1 lần…

Các chuyên gia đến từ Bộ Công Thương, các hội, hiệp hội, tổ chức quốc tế liên quan đến nhựa cũng đề nghị việc xây dựng Báo cáo hiện trạng CTN năm 2022 cần làm rõ sự khác biệt với các nghiên cứu đã có và cập nhật thêm số liệu để củng cố chắc chắn các kết quả hiện trạng đưa ra; cần làm rõ thêm hàm ý chính sách có tác động đến những vấn đề thực tiễn, thúc đẩy công tác phân loại rác tại nguồn, tái chế tái sử dụng CTN và hạn chế nhựa dùng 1 lần…

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển nhất trí nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững biển

Mới đây, phiên thứ năm Hội nghị liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia đã đạt được nhất trí về nội dung văn kiện. Đây là dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG 14) về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển.

Tại phiên làm việc, đoàn Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc làm trưởng đoàn đã có nhiều ý kiến đóng góp vì lợi ích chung của các nước đang phát triển trong thỏa thuận lịch sử này. Cụ thể, đoàn Việt Nam đã có nhiều đề xuất vì lợi ích chung của các nước đang phát triển, đặc biệt là các quy định liên quan đến xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển, đồng thời thúc đẩy các nội dung của dự thảo văn kiện phù hợp quy định của Luật Biển quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên thứ năm Hội nghị liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982

Được biết, nội dung văn kiện đã ghi nhận nguyên tắc nền tảng về việc nguồn gene biển là di sản chung của nhân loại, là cơ sở để mọi lợi ích thu được từ nguồn gene biển cần được chia sẻ công bằng với tất cả các quốc gia. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên “thông tin chuỗi số hóa về nguồn gene” - được coi là một “tài sản số” gắn liền với nguồn gene biển và lợi ích liên quan có thể được chia sẻ cho toàn thể nhân loại theo một cơ chế được xác định.

Công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong lực lượng Công an nhân dân

Bộ Công an mới đây đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (ƯPT) của lực lượng Công an nhân dân năm 2022.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu trên mặt trận phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; là chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trong triển khai các mặt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai.

Hội nghị tổng kết công tác ƯPT của lực lượng Công an nhân dân

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến đề nghị, Ban chỉ đạo ƯPT/Bộ Công an và công an các đơn vị, địa phương phải thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình về thiên tai, bão lũ, sự cố để kịp thời tham mưu và chỉ đạo các biện pháp phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại gây ra; chủ động triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện và điều kiện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai theo đúng nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả với phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ).

Khi xảy ra các sự cố, thiên tai, bão lũ, Công an các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, nhất là lực lượng Quân đội chủ động các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả, rà soát các địa điểm xung yếu, bảo đảm tuần tra kiểm soát, an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho nhân dân…

Ngọc Huyền (t/h)