Bản tin môi trường số 2/2021

Thứ hai, 5/7/2021 | 10:24 GMT+7
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã thảo luận chương trình hợp tác giữa hai bên về nước sạch, vệ sinh môi trường và quản lý rủi ro thiên tai giai đoạn 2022 - 2026.

Hợp tác với UNICEF về nước sạch, vệ sinh môi trường và quản lý rủi ro thiên tai giai đoạn 2022 - 2026

Trong chương trình hợp tác với Bộ NN&PTNT giai đoạn 2022 - 2026, UNICEF dự kiến sẽ ưu tiên 4 nhóm hoạt động về nước sạch và vệ sinh môi trường; tiếp tục các chương trình nghị sự còn dang dở liên quan đến sức khỏe trẻ em, đặc biệt là nước sạch và vệ sinh môi trường đối với nhóm người yếu thế trong xã hội; tiếp tục hợp tác truyền thông, vận động công chúng để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường; ưu tiên các hoạt động nâng cao khả năng chống chịu của người dân liên quan đến biến đổi khí hậu cũng như dự phòng các tình huống thiên tai khẩn cấp; ứng dụng các công nghệ hiện đại, thông minh với giá thành hợp lý, tạo cơ hội cho trẻ em và người dân tiếp cận nước sạch, nhất là ở các trường học.

Đại diện UNICEF làm việc với Bộ NN&PTNT về vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường và quản trị rủi ro thiên tai

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện UNICEF đang hỗ trợ Việt Nam các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong bối cảnh nguy cơ tác động kép của thiên tai và dịch bệnh Covid-19, đồng thời cam kết tiếp tục hợp tác trong giai đoạn mới 2021 – 2025 triển khai dự án Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho trẻ em.

Tổng cục Phòng chống thiên tai ghi nhận những đóng góp, hỗ trợ của UNICEF, đồng thời đề nghị Quỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác điều phối phối hợp, chuẩn bị ứng phó và ứng phó kịp thời trong các lĩnh vực mà UNICEF có thế mạnh.

Việt Nam kêu gọi hợp tác, chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước

Hội nghị cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ sáng kiến “Đối thoại về nước vì kết quả của sáng kiến Bonn 2021: Tăng tốc triển khai liên ngành Mục tiêu phát triển bền vững số 6 (SDG 6)" mới đây đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tham gia hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ sự nhất trí đối với những ý kiến, đánh giá của các đại biểu tham gia hội nghị về vai trò cốt lõi của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia.

Tài nguyên nước Việt Nam phong phú nhưng phần lớn được sản sinh từ nước ngoài

Bên cạnh đó, Thứ trưởng còn chia sẻ một số thách thức mà Việt Nam đang gặp phải về tài nguyền nước, cũng như chia sẻ một số kinh nghiệm, chủ trương, giải pháp của Việt Nam trong việc hiện thực hóa mục tiêu SDG 6 của Liên Hợp Quốc.

Đồng thời bày tỏ quan điểm của Việt Nam về việc ủng hộ những thông điệp chính sách về quản lý tổng hợp tài nguyên nước được đưa ra tại hội nghị, đồng thời kêu gọi các quốc gia thượng nguồn sớm gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia.

Sau khi thảo luận, hội nghị đã thông qua một số nội dung quan trọng. Bao gồm: nước là yếu tố chính mang lại nhiều lợi ích cho các lĩnh vực khác nhau và giúp giải quyết các thách thức toàn cầu, không thể phát triển bền vững nếu không có nước; cam kết thúc đẩy các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 và các chương trình nghị sự toàn cầu khác về thúc đẩy hành động về nước; ủng hộ việc triển khai các mục tiêu liên quan đến Thập kỷ hành động quốc tế về nước: nước cho sự phát triển bền vững; công nhận vai trò quan trọng của các tổ chức đa phương, tổ chức quốc tế và các bên liên quan trong việc đạt được các thông điệp trên.

Đề xuất về quản lý chất lượng không khí Hà Nội

Theo kết quả được công bố của Nhóm nghiên cứu trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và kết quả 1 năm quan trắc chất lượng không khí và phân tích thành phần nguồn thải tại nước ta của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trong vụ Đông Xuân 2021, sau thu hoạch, lượng rơm rạ khô bỏ lại trên đồng ruộng là 1.936 tấn, tỷ lệ rơm rạ bị đốt trên toàn thành phố vụ này khá cao, lên tới 43,2%. Đáng chú ý, các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt rơm rạ có thể lan trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người sống cách xa khu vực đốt rơm rạ.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng cao do nhiều nguyên nhân

Nồng độ carbon hữu cơ từ quá trình cháy sinh khối (chiếm khoảng 20%). Nồng độ nền ổn định của cacbon từ quá trình đốt cháy liên tục và phát thải từ đốt than và giao thông (chiếm ít hơn 10%). Nguồn phát thải công nghiệp liên quan đến chì, thiếc chiếm khoảng 10% phát thải bụi PM2.5. Tuy nhiên, nguồn phát thải này có một phần pha trộn với các hợp chất có nguồn gốc công nghiệp.

Để cải thiện chất lượng không khí, các chuyên gia cho rằng, cần loại bỏ thói quen đốt phế thải nông nghiệp. Các cơ quan chức năng của thành phố cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch; xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí. 

Ngoài ra, các Sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị.

Ngọc Mai