Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 1/2021

Thứ hai, 11/1/2021 | 08:38 GMT+7
Mới đây, Bộ Công Thương vừa có văn bản số 84/BCT-ĐL ngày 7/1/2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát điện mặt trời (ĐMT) đã hoàn thành thẩm định toàn quốc.

Kết quả rà soát dự án điện mặt trời đã hoàn thành thẩm định toàn quốc

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cập nhật văn bản số 1870/TTg-CN ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung quy hoạch các dự án ĐMT trên mặt hồ thuộc các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Đồng Nai, đến nay, tổng số dự án ĐMT đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch là 172 dự án với tổng quy mô công suất 19.079 MWp (tương ứng khoảng 15.260 MWac). Trong đó, 43 dự án với tổng công suất 5.000 MWac không được áp dụng cơ chế giá FIT theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ mà sẽ được triển khai thực hiện theo cơ chế đấu thầu/đấu giá phát triển ĐMT hoặc cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện (cơ chế DPPA) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Có 1 dự án: ĐMT Rừng Xanh (giai đoạn 1), công suất 150 MWp đã hoàn thành thẩm định và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngoài các dự án ĐMT đã được quy hoạch và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, còn 351 dự án đang đề xuất với tổng công suất 39.500 MWp. Trong đó, 138 dự án đã hoàn thành công tác thẩm định với tổng công suất 14.316 MWp (tương ứng khoảng 11.452 MWac) và đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán khả năng giải tỏa công suất.

Cụ thể, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có 26 dự án đã hoàn thành công tác thẩm định với tổng công suất 2.093 MWp. Tỉnh Bắc Giang và Thanh Hóa còn có khả năng giải tỏa các dự án ĐMT đã hoàn thành thẩm định với tổng công suất là 196 MW, tuy nhiên bức xạ ĐMT thấp so với các khu vực khác.

Khu vực các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh còn có khả năng giải tỏa công suất các dự án ĐMT đã hoàn thành thẩm định với tổng công suất khoảng 450 MW.

Khu vực Quảng Bình, Quảng Trị cần đầu tư thêm các công trình lưới điện truyền tải đồng bộ để tăng cường khả năng giải tỏa công suất. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn khả năng giải tỏa các dự án ĐMT đã hoàn thành thẩm định với tổng công suất khoảng 63 MW. Tỉnh Quảng Ngãi chỉ giải tỏa thêm được khoảng 80 MW nếu không có giải pháp đầu tư xây dựng các công trình lưới điện đồng bộ.

Ảnh minh họa

Khu vực Nam Trung Bộ gồm các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng có 65 dự án ĐMT đã hoàn thành công tác thẩm định với tổng công suất 3.302 MWp. Lưới điện khu vực này khó có khả năng hấp thụ thêm nguồn điện năng lượng tái tạo do chỉ tính các dự án đã bổ sung quy hoạch thì lưới điện đã đầy tải, một số phần tử trên lưới điện còn tồn tại quá tải do chưa kịp hoàn thành một số công trình lưới điện đấu nối. Trong trường hợp dự án có quy mô nhỏ đấu nối ở cấp điện áp trung thế hoặc đầu tư thêm các công trình lưới điện truyền tải (220kV, 500kV) đồng bộ với các dự án ĐMT thì có thể xem xét thêm.

Khu vực Tây Nguyên gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum có 32 dự án đã hoàn thành công tác thẩm định với tổng quy mô công suất là 5.089 MWp và còn có khả năng giải tỏa thêm tối đa khoảng 2.126 MW. Tỉnh Gia Lai có khả năng giải tỏa các dự án ĐMT đã hoàn thành thẩm định với tổng công suất khoảng 50 MW, tỉnh Đắk Lắk có khả năng giải tỏa được khoảng 1.668 MW, tỉnh Đắk Nông có khả năng giải tỏa được khoảng 300 MW và tỉnh Kon Tum có khả năng giải tỏa được khoảng 90 MW với điều kiện đầu tư thêm các công trình lưới điện đồng bộ.

Khu vực Đông Nam Bộ gồm các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương có 36 dự án đã hoàn thành công tác thẩm định với tổng quy mô công suất 5.586 MWp. Khu vực này còn khả năng giải tỏa thêm khoảng 200 MW trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, khoảng 1.650 MW các dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, khoảng 80 MW trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khoảng 50 MW trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong trường hợp đầu tư thêm các công trình lưới điện truyền tải 110kV, 220kV và 500kV đồng bộ.

Khu vực Tây Nam Bộ gồm các tỉnh Long An, Kiên Giang, Bến Tre, An Giang có 19 dự án ĐMT đã hoàn thành công tác thẩm định với tổng quy mô công suất 1.264 MWp. Trong đó, các tỉnh Long An, An Giang, Kiên Giang còn có khả năng giải tỏa công suất tối đa khoảng 1.112 MW.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện xây dựng cơ chế phát triển ĐMT trong giai đoạn tới. Cùng với đó, Bộ Công Thương định hướng ưu tiên xem xét đối với một số dự án ĐMT tại các khu vực còn có khả năng giải tỏa công suất, hoặc các dự án ĐMT nổi (không ảnh hưởng nhiều đến diện tích chiếm đất), có nhà đầu tư cam kết đầu tư lưới điện truyền tải hoặc đầu tư thêm hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS).

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng cơ chế DPPA là cơ chế cho phép khách hàng sử dụng điện có cam kết hoặc mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững tiếp cận và mua một lượng điện được sản xuất từ một đơn vị phát điện năng lượng tái tạo. Do đó, có thể xem xét bổ sung quy hoạch một số dự án ĐMT để thực hiện cơ chế DPPA.

Căn cứ kết quả rà soát các dự án ĐMT đã hoàn thành công tác thẩm định và tính toán của EVN về khả năng giải tỏa công suất, Bộ Công Thương cũng báo cáo thêm Thủ tướng Chính phủ danh mục một số dự án ĐMT, phương án đấu nối và dự kiến tiến độ vận hành tại một số vùng/khu vực để làm cơ sở cho quá trình triển khai thực hiện cơ chế đấu thầu/đấu giá phát triển ĐMT hoặc thực hiện cơ chế DPPA. Danh mục đề xuất lần này gồm 54 dự án với tổng quy mô công suất khoảng gần 7.110 MWp (tương ứng khoảng 5.688 MWac), phương án đấu nối và dự kiến tiến độ vận hành.

Nhu cầu đề xuất bổ sung quy hoạch dự án ĐMT của các địa phương còn rất lớn do đó Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tính toán xác định cơ cấu nguồn ĐMT tại các khu vực trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) để đảm bảo hiệu quả kinh tế chung cho nền kinh tế.

Vận hành lưới điện khi tích hợp quy mô lớn các hệ thống ĐMTMN

Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương mới đây đã phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo về “Thuận lợi và khó khăn trong vận hành lưới điện khi tích hợp điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam” tại TP Đà Nẵng.

Đây là một hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ CHLB Đức tài trợ.

Để nâng cao tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trong hệ thống điện Việt Nam khi các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã được khai thác tối đa, trong những năm gần đây, Đảng và Chính phủ đã chú trọng nghiên cứu, ban hành những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển những nguồn NLTT nói chung và điện mặt trời (ĐMT) nói riêng. Nhờ đó, chỉ trong vài năm trở lại đây, hệ thống điện Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ của nguồn NLTT, đặc biệt là ĐMT. Tính đến hết tháng 11/2020, đã có khoảng 8.900 MWAC ĐMT vận hành trong hệ thống điện quốc gia, trong đó bao gồm khoảng 2.600MWAC điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).

Việc phát triển nhanh nguồn ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng đã góp phần bổ sung một lượng điện năng đáng kể, kịp thời nhằm hỗ trợ hệ thống điện trong việc đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong vận hành hệ thống điện quốc gia như: vấn đề an toàn trong lắp đặt và vận hành nguồn ĐMTMN; hạ tầng lưới điện ở nhiều khu vực chưa đáp ứng được việc tiếp nhận lượng điện năng mà các nguồn ĐMTMN phát lên lưới cùng một lúc; thông tin về điều độ, vận hành thời gian thực của các nguồn ĐMTMN còn chưa được thu thập và quản lý đồng bộ, tổng thể; tính bất định của nguồn ĐMT đòi hỏi việc vận hành lưới điện cần có các công cụ tốt hơn, thông tin chính xác và một phương thức mới trong vận hành, điều độ hệ thống điện.

ĐMTMN có sự phát triển bùng nổ trong thời gian qua

Trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ CHLB Đức tài trợ, việc nghiên cứu, phân tích những thách thức về mặt kỹ thuật cũng như thủ tục hành chính khi tích hợp ĐMTMN vào hệ thống điện Việt Nam đang được các chuyên gia tư vấn của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp thực hiện cùng các bên liên quan. Tại hội thảo, các chuyên gia tư vấn đã trình bày, giới thiệu về kinh nghiệm quốc tế trong quá trình phát triển ĐMTMN bao gồm: những thách thức về mặt kỹ thuật đối với các đơn vị phân phối điện; tích hợp hệ thống ĐMTMN vào lưới điện; thách thức về mặt thủ tục hành chính đối với các đơn vị vận hành lưới điện phân phối.

Việc phát triển ĐMTMN ở Việt Nam hiện nay cũng đã, đang và sẽ gây ra một số khó khăn thách thức đối với đơn vị vận hành lưới điện phân phối và thậm chí là các các cấp điều độ cao hơn như điều độ miền, điều độ quốc gia.

Cụ thể, về pháp lý, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ đầu tư, khách hàng trong việc cung cấp, chia sẻ các số liệu về vận hành, dự báo công suất - sản lượng phát của nguồn ĐMTMN cho các đơn vị quản lý vận hành và điều độ lưới điện. Về quy mô công suất và yêu cầu về tỷ lệ tự dùng và tỷ lệ phát lên lưới chưa có yêu cầu cụ thể trong bối cảnh rất nhiều hệ thống ĐMTMN có quy mô công suất từ 1MWp đến 1MWAC. Chưa có công cụ dự báo công suất phát của nguồn ĐMT gây khó khăn trong công tác lập kế hoạch, vận hành thời gian thực và tính toán, huy động kịp thời các nguồn công suất dự phòng khác để bù đắp lại sự biến thiên liên tục quy mô lớn của các nguồn NLTT, đặc biệt là ĐMT. Việc thay đổi trào lưu công suất liên tục trên các ngăn lộ trung áp có đấu nối nhiều nguồn ĐMTMN ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng; gây ra hiện tượng tách đảo trong các trường hợp sự cố hệ thống điện hoặc bảo vệ không chọn lọc gây quá tải lưới điện trung/hạ áp và kể cả lưới điện cao áp đối với các khu vực có nhiều tiềm năng năng lượng mặt trời như Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk…

Kết thúc hội thảo, các thành viên tham gia đã đưa ra một số giải pháp có thể xem xét để vượt qua các thách thức và thúc đẩy việc phát triển ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng tại Việt Nam trong thời gian tới. Cần rà soát, hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách mang tính bền vững để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển ĐMTMN. Đồng thời, rà soát và sớm ban hành các tiêu chuẩn về ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng để có cơ sở pháp lý thực hiện việc kiểm tra, giám sát chất lượng của hệ thống ĐMT tại Việt Nam. Rà soát, đánh giá quy định hiện hành về trách nhiệm cung cấp và chia sẽ các số liệu vận hành của ĐMT. Các đơn vị quản lý, vận hành và điều độ hệ thống điện cần phát triển những công cụ dự báo và quản lý vận hành nguồn ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình mới (ví dụ như việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp để các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống điện cũng như khách hàng đầu tư ĐMTMN có thể theo dõi, khai thác, cập nhật đầy đủ thông tin đối với việc phát triển và vận hành ĐMTMN hiện nay).

Với sự phát triển bùng nổ của ĐMT và ĐMTMN tại Việt Nam trong thời gian qua cũng như dự kiến sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới thì việc nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các quy định kỹ thuật về quản lý, vận hành và điều độ hệ thống điện khi tích hợp ĐMTMN càng trở nên thiết thực và cấp bách. Ngoài ra, các đơn vị điện lực cũng cần chủ động hơn trong việc áp dụng ứng dụng của công nghệ lưới điện thông minh và công nghệ mới để kiểm soát nguồn ĐMTMN cũng như tiếp tục nâng cao tỷ lệ của nguồn năng lượng sạch này trong hệ thống điện Việt Nam.

Dự án ĐMT Phù Mỹ hòa lưới điện quốc gia

Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ được xây dựng tại xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định vừa chính thức hòa lưới điện quốc gia.

Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ được khởi công xây dựng vào ngày 29/5/2020. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích 380 ha. Tổng công suất thiết kế là 330MW, chia thành 2 giai đoạn bao gồm 3 nhà máy với công suất lần lượt là: 120MW, 110MW và 100MW. 

Dự án Nhà máy ĐMT Phù Mỹ được xây dựng trên diện tích 380 ha

Sau 7 tháng thi công, đến ngày 31/12/2020, Nhà máy ĐMT Phù Mỹ đã được đưa vào khai thác thương mại 216MW trên tổng công suất 330MW. Dự kiến, trước ngày 28/02/2021, Nhà máy ĐMT Phù Mỹ sẽ đóng điện 114MW còn lại. Với việc đóng điện thành công và được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) vào 31/12/2020, 216MW đầu tiên nối lưới của Nhà máy ĐMT Phù Mỹ sẽ được hưởng mức giá mua điện là 7,09 UScent/kWh theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam. Khi đi vào hoạt động toàn bộ, ước tính nhà máy sẽ đạt sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh mỗi năm, tương đương mức sử dụng của 200.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2.

Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ đi vào hoạt động sẽ đóng góp vào ngân sách, tạo ra hàng ngàn việc làm tại địa phương tỉnh Bình Định. Qua đó, dự án góp phần nâng cao, cải thiện đời sống nhân dân, ổn định an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

PV