Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 7/2021

Thứ hai, 1/3/2021 | 09:09 GMT+7
Tại Hà Nội, Bộ Công Thương vừa phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Đối thoại năng lượng tái tạo giữa Vương quốc Anh và Việt Nam: Củng cố lòng tin của các nhà đầu tư.

Đối thoại năng lượng tái tạo giữa Vương quốc Anh và Việt Nam

Phát biểu tại buổi đối thoại, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi có tiềm năng rất lớn. Đặc biệt, ngành năng lượng tái tạo sẽ tạo ra rất nhiều công việc cho người lao động Việt Nam.

Tại Anh, cách đây khoảng 30 - 40 năm thì ngành than, nhiệt điện than đã tạo ra số lượng công việc lớn, nhưng hiện nay số lượng việc làm trong ngành năng lượng tái tạo đã vượt qua con số đó. Hiện, giá điện năng lượng tái tạo đang giảm dần và giảm nhanh, như điện gió trên bờ và điện mặt trời đã rẻ hơn so với giá chi phí sản xuất điện than hơn 50% trong 7 năm trở lại đây và chắc chắn sẽ giảm tiếp.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo tại Anh, ông Huub Den Rooijen, Giám đốc Năng lượng, Khoáng sản và Cơ sở hạ tầng của Crown Estate – công ty bất động sản sở hữu phần lớn đáy biển của Anh cho biết, với tài nguyên thiên nhiên năng lượng tái tạo tuyệt vời, có hệ thống cảng biển, đường biển… hiện số lượng trang trại gió ở Anh và xứ Wales đã cung cấp 10% nguồn cung điện. Để đạt được kết quả đó đòi hỏi sự cân đối lợi ích giữa ngành điện và nhiều bên liên quan khác nhau như: các tổ chức đánh bắt hải sản, quy hoạch chính phủ để tận dụng tối ưu khu vực đáy biển, phát triển điện gió.

Ảnh minh họa

Tại buổi đối thoại, các nhà đầu tư cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tăng cường tính minh bạch, dễ dự đoán trong dài hạn, từ đó có thể tính toán được chi phí sản xuất, so sánh các phương án đầu tư khác...

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái, Bộ Công Thương chia sẻ, với quá trình phát triển năng lượng tái tạo, trong những năm vừa qua, học tập kinh nghiệm từ nhiều nước, Việt Nam đã áp dụng mô hình mô hình giá cố định. Tuy nhiên, công nghệ điện gió và điện mặt trời trong thời gian qua tiến bộ nhanh chóng nên giá thành sản xuất điện ngành này cũng giảm nhanh, vì vậy giá cố định không thể duy trì thời gian dài được. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, mang tính minh bạch, công khai, cạnh tranh rõ ràng.

Riêng với điện gió ngoài khơi, loại hình điện năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng khai thác lớn do có vùng biển rộng lớn... đang bắt đầu nhận được hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, trong đó có Chính phủ Anh. Từ đó tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích phù hợp nhằm khai thác nguồn tiềm năng thiên nhiên này cũng như thúc đẩy chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ góp phần gia tăng việc làm, từng bước gia tăng năng lực sản xuất trong nước và gia tăng tỷ trọng nội địa hóa trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

“Hy vọng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Anh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đặc biệt là điện gió ngoài khơi, lĩnh vực mà Anh đã có nhiều kinh nghiệm phát triển, Việt Nam có tiềm năng và mong muốn thúc đẩy phát triển”, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết.

Công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu đã đạt trên 35GW

Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết, công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu hiện đã đạt trên 35GW - tăng 106% chỉ trong 5 năm qua.

Theo những dữ liệu mới nhất từ Cơ quan đánh giá thị trường của GWEC, ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi năm 2020 có thành tích tăng trưởng cao thứ hai từ trước đến nay, với hơn 6GW điện gió ngoài khơi mới được lắp đặt và vẫn tiếp tục phát triển bất kể đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới các ngành năng lượng khác. Mức tăng trưởng kỷ lục này là nhờ Trung Quốc, đất nước dẫn đầu thế giới năm thứ ba liên tiếp về công suất điện gió ngoài khơi mới thường niên đóng góp hơn một nửa sản lượng điện gió ngoài khơi mới cho thế giới năm qua.

Châu Âu với tăng trưởng ổn định góp sức cho phần lớn sản lượng điện gió ngoài khơi mới còn lại, dẫn đầu là Hà Lan với gần 1,5GW điện gió ngoài khơi mới lắp đặt trong năm qua, đưa đất nước này trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới về lượng công suất mới trong năm 2020, sau Trung Quốc.

Sản lượng điện gió ngoài khơi toàn cầu hiện nay đã giúp chúng ta giảm thiểu được 62,5 triệu tấn khí thải carbon

Nhìn chung, công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu hiện đã đạt trên 35 GW - tăng 106% chỉ trong 5 năm qua. Trung Quốc hiện đã vượt qua Đức về lượng lắp đặt tích lũy, trở thành quốc gia sản xuất điện gió ngoài khơi lớn thứ hai trên toàn cầu và Anh vẫn ở vị trí dẫn đầu.

Alastair Dutton, Chủ tịch nhóm phụ trách điện gió ngoài khơi toàn cầu tại GWEC cho biết thêm: “Điện gió ngoài khơi đang ngày càng củng cố vị thế của mình là một trong những công nghệ quan trọng nhất để loại bỏ carbon trong hệ thống năng lượng của chúng ta và hiện thực hoá mục tiêu Net zero (giảm khí thải về 0). Sản lượng điện gió ngoài khơi toàn cầu hiện nay đã giúp chúng ta giảm thiểu được 62,5 triệu tấn khí thải carbon - tương đương với việc ngưng sử dụng hơn 20 triệu chiếc xe hơi trên đường. Lợi ích kinh tế xã hội của điện gió ngoài khơi cũng quan trọng hơn bao giờ hết khi các quốc gia phát triển những chiến lược phục hồi kinh tế xanh và các dự án điện gió ngoài khơi hiện tại đã cung cấp khoảng 700.000 việc làm trên toàn cầu”.

“Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ tiềm năng khổng lồ của điện gió ngoài khơi. Nhóm Ngân hàng Thế giới báo cáo rằng, với công nghệ hiện tại, thế giới có hơn 71.000GW điện gió ngoài khơi tiềm năng và việc đánh thức nguồn tài nguyên này sẽ là chìa khóa để giữ mức nóng lên toàn cầu ở dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời tạo ra những lợi ích kinh tế đáng kể. Cú bắt tay hợp tác giữa ngành điện gió và chính phủ sẽ là chìa khóa quan trọng để hiện thực hoá tiềm năng này, cùng với các chính sách ổn định để tạo ra một cơ hội phát triển dài hạn cho ngành. Việc thúc đẩy nhanh thương mại hóa điện gió nổi ngoài khơi trong thập kỷ này cũng sẽ là yếu tố quan trọng để mở ra những cánh cửa mới cho lĩnh vực này và tối đa hóa việc khai thác tài nguyên gió”, ông Alastair Dutton chia sẻ thêm.

TP Hà Nội: Thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời trên mái chợ Đồng Xuân

TP Hà Nội mới đây đã ban hành Quyết định số 738/QĐ-UBND ngày 9/2/2021 về việc phê duyệt nội dung văn kiện Dự án năng lượng mặt trời ở Hoàn Kiếm: Dự án thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời trên mái chợ Đồng Xuân.

Dự án do Công ty TNHH phi lợi nhuận Engagement Global gGmbH/Trung tâm dịch vụ các địa phương trong một thế giới (SKEW) tài trợ cho UBND quận Hoàn Kiếm nhằm mục tiêu: tăng cường mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Đức nói chung, mối quan hệ hợp tác giữa quận Hoàn Kiếm và quận Litchenberg nói riêng; thử nghiệm việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời quy mô nhỏ sau đó sẽ nhân rộng tại nhiều nơi trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Bên cạnh đó, dự án góp phần thúc đẩy việc ứng dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất điện năng tại Việt Nam; tăng cường an toàn cung cấp điện cho dân cư do thiết bị điện năng lượng mặt trời sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của TP, giảm lượng khí C02 thải ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và môi trường.  

TP Hà Nội sẽ triển khai dự án thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời trên mái chợ Đồng Xuân

Dự án gồm các nội dung chủ yếu: nâng cao năng lực và kỹ năng cho cán bộ, nhân viên của quận Hoàn Kiếm, đơn vị vận hành dự án về hệ thống quang điện, sử dụng năng lượng tái tạo, vận hành và quản lý sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch... Thí điểm hệ thống năng lượng mặt trời tại quận Hoàn Kiếm: căn cứ diện tích mái chợ Đồng Xuân (9.000m2) và kiến trúc mái, dự kiến tổng số tấm pin lắp đặt trên mái khu chợ là 600 tấm, công suất mỗi tấm 330Wp. Tổng công suất lắp đặt của hệ thống là 330Wp X 600 tấm = 198kWp. Tổng diện tích lắp đặt các tấm pin khoảng 1.600m2, chiếm 18% tổng diện tích mái của chợ Đồng Xuân. Tổ chức truyền thông, tuyên truyền để truyền tải thông điệp đến người dân, toàn xã hội về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường, tăng cường việc sử dụng năng lượng sạch, giảm những tác hại tiêu cực của môi trường.

Dự án được thực hiện kể từ khi được phê duyệt đến hết ngày 30/11/2022. Tổng giá trị dự án: 274.202,41 Euro. Trong đó: 246.782,17 Euro do Công ty TNHH phi lợi nhuận Engagement Global gGmbH/SKEW tài trợ không hoàn lại, cụ thể như sau: UBND quận Hoàn Kiếm tiếp nhận 189.119,93 Euro (bao gồm khoản dự phòng là 8.665,93 Euro); quận Lichtenberg - đơn vị hỗ trợ kỹ thuật (thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2018 - 2021 giữa UBND quận Hoàn Kiếm và chính quyền quận Lichtenberg) tiếp nhận 85.082,48 Euro; 27.420,24 Euro do UBND quận Hoàn Kiếm huy động từ nguồn xã hội hóa của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn quận, đảm bảo đúng quy định pháp luật về quản lý tài chính.

Ngân Hà