Năng lượng gió

Bình Thuận được Nga và Bỉ rót vốn đầu tư làm điện gió ngoài khơi

Thứ tư, 11/8/2021 | 09:52 GMT+7
Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong (Bình Thuận) do liên danh nhà đầu tư Bỉ, Nga triển khai với tổng mức đầu tư 72.900 tỷ đồng, tương đương hơn 3,1 tỷ USD.

Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Long thuộc tỉnh Bình Thuận có quy mô 1.000 MW và được chia thành 2 giai đoạn. Các đối tác đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 1 có công suất 600 MW vào năm 2026 và 400 MW còn lại (giai đoạn 2) dự kiến sẽ đưa vào vận hành thương mại vào năm 2030. Tổng mức đầu tư dự án 72.900 tỷ đồng.

Ngoài hàng tỷ kWh điện cung cấp mỗi năm, dự kiến điện gió Vĩnh Phong khi vận hành sẽ đóng góp nguồn thu cho ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng, và tạo 2.500 việc làm (2.000 việc làm cho giai đoạn vận hành và 500 việc làm cho giai đoạn kết thúc và di dời dự án).

Dự án này đã được tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận chủ trương cho phép liên danh Zarubezhneft JSC (Nga) và DEME Concessions Wind NV (Bỉ) thực hiện các thủ tục cần thiết báo cáo Bộ Công Thương trình Chính phủ để đưa vào Quy hoạch điện VIII.

Đường biển dài hơn 3.000 km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên (consistent wind) ở mức cao... là những tiềm năng và điều kiện tối ưu để Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Mô phỏng một dự án điện gió ngoài khơi
 

Cùng với công nghệ mới, theo bà Liming Quiao, hiệu suất của điện gió ngoài khơi tăng 2,5% mỗi năm, nên loại năng lượng này có thể chạy phụ tải nền với nguồn khá ổn định, nhu cầu điều tiết điện lực bù cho thay đổi công suất là rất thấp.Bà Liming Quiao - Giám đốc khu vực Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) phân tích, điểm mạnh của điện gió ngoài khơi là hiệu suất cao, khoảng 29-52%, gấp đôi điện mặt trời, cao hơn điện gió trên bờ và tương đương điện khí.

Liên danh các đối tác đầu tư dự án này gồm Zarubezhneft, một doanh nghiệp nhà nước của Nga hoạt động trong lĩnh vực dầu khí từ năm 1981. Zarubezhneft hiện sở hữu 49% cổ phần tại liên doanh Vietsopetro.

Còn Tập đoàn DEME (Bỉ) là nhà thầu thi công hàng đầu các trang điện gió trên thế giới. Công ty thành viên là DEME Offshore đã lắp đặt hơn 75 trang trại điện gió ngoài khơi chiếm 30% tổng số móng ngoài khơi và 40% tổng số tuabin gió trên toàn thế giới.

Hồi tháng 4, liên danh này và các công ty thành viên (Công ty Vietsovpetro và Công ty DEME Offshore) ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Thuận.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII, lần đầu tiên đưa ra khái niệm điện gió ngoài khơi là các dự án điện gió tại khu vực có độ sâu đáy biển từ 20 m trở lên và mục tiêu công suất loại hình năng lượng này 2-3 GW đến năm 2030 (tương đương 1,5-2% tổng nguồn điện).

Các tổ chức quốc tế khuyến nghị, Việt Nam nên tăng công suất điện gió ngoài khơi lên 10 GW đến năm 2030, nhằm tận dụng tiềm năng sẵn có.

Theo Lienhiephoi.quangngai.gov.vn