Đẩy mạnh công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Thứ tư, 13/7/2022 | 14:35 GMT+7
Ngày 12/7, đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai làm việc về công tác phòng, chống thiên tai và thi hành pháp luật khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Gia Lai, trong năm 2021, tỉnh chịu ảnh hưởng của 9 đợt thiên tai; 2 đợt mưa lớn và một số đợt dông, lốc sét xảy ra cục bộ. Tổng thiệt hại do thiên tai năm 2021 của tỉnh là hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do 2 đợt hạn hán là 141 tỷ đồng với hơn 18.840ha diện tích cây trồng bị hạn. Mưa dông, lốc, sét, mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão làm 13 người bị thương vong; 326 nhà dân bị sập, tốc mái, ngập nước; hơn 1.800ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị hư hỏng; nhiều tuyến đường tỉnh, huyện, xã và cầu, cống bị sạt lở, hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại là hơn 119 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc kèm theo sét, mưa đá đã xuất hiện; mưa lớn trái mùa làm 1 người chết, 81 căn nhà hư hỏng, tốc mái; 362,03ha cây trồng bị hư hỏng, ngã đổ; tổng giá trị thiệt hại khoảng 48,932 tỷ đồng.

Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, ngay sau các đợt thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại tại các địa phương và đề xuất biện pháp khắc phục. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động, bố trí nguồn lực tập trung khắc phục một số hạng mục, công trình nhằm đảm bảo nhà ở, giao thông đi lại... phục vụ tạm thời cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Báo cáo tại buổi họp cũng nêu rõ, Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 408/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục công trình và chủ công trình phải tổ chức quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho các chủ công trình vườn quốc gia, sân bay Pleiku, hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn về Tổng cục Khí tượng thủy văn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện nơi có công trình để quản lý theo dõi theo quy định.

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai làm việc về công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Gia Lai

Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên đoàn công tác của Bộ TN&MT cho rằng, Gia Lai là tỉnh biên giới, có diện tích rộng, đông đồng bào thiểu số. Tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng 11/21 loại hình thiên tai như hạn hán, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lốc, sét… nên khối lượng công việc phòng chống thiên tai rất nhiều so với các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, Gia Lai đã chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai để nhân dân sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất.

Dự báo mưa lớn tại Gia Lai sẽ diễn ra dồn dập trong các tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Vỹ, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung, Tây Nguyên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị, tỉnh Gia Lai tiếp tục có giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân trong phòng chống thiên tai; sớm xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai theo quy định; tổ chức kiểm tra, rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cực đoan; chủ động phối hợp trong công tác vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Ba, đặc biệt trong các tháng có mưa, lũ; bảo đảm an toàn các hồ chứa; bổ sung thêm cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố thiên tai, nhất là thiên tai cực đoan...

Ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, các hình thái cực đoan của thời tiết để có giải pháp ứng phó, phòng chống phù hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận hành xả lũ các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Ba và sông Sê San theo quy trình vận hành liên hồ chứa được Chính phủ phê duyệt; đôn đốc các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trưởng đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Công Thành đánh giá cao công tác chủ động phòng chống thiên tai của tỉnh Gia Lai; đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát, cập nhật các điểm xung yếu khi xảy ra thiên tai để xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai hàng năm; đẩy mạnh thực hiện công tác trao đổi thông tin nhanh với các cơ quan liên quan để có phương án ứng phó hiệu quả hơn với thiên tai.

Lưu ý việc vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Sê San với nước bạn Campuchia; một số đập thủy lợi, thủy điện có nguy cơ phải xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, di dời dân cư khỏi vùng nguy hiểm để hạn chế thiệt hại. Với cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2022 mưa lũ sẽ xuất hiện nhiều tại Gia Lai vào thời điểm cuối năm vì vậy cần nâng cao sự phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn với Trung ương và địa phương bạn để hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Mộc Trà