Dubai: Các giải pháp để thúc đẩy sản xuất lương thực trên sa mạc

Thứ ba, 21/12/2021 | 22:13 GMT+7
Tại sa mạc Dubai, người nông dân phải chống chọi với nắng nóng gay gắt, sự thiếu nước ngọt, các vấn đề liên quan tới đất cát. Tại đây, Trung tâm Nông nghiệp Sinh học Quốc tế (ICBA) đang cấy và trồng các loại siêu thực phẩm ưa mặn trong nỗ lực mở rộng sự đa dạng thực phẩm trong khu vực.

Quinoa được trồng ở sa mạc Dubai

Các nhà khoa học đã thử nghiệm hơn 1.200 giống quinoa, trong đó có năm loại có thể phát triển ở những điều kiện khắc nghiệt này. Nông dân ở hơn 10 quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi đã và đang sản xuất loại siêu thực phẩm này, và ICBA hiện đang giới thiệu quinoa tại các cộng đồng nông thôn ở Trung Á.

ICBA tự hào có một bộ sưu tập độc đáo với hơn 13.000 hạt giống. Chương trình đã đưa các loại cây trồng phi truyền thống vào sa mạc, chẳng hạn như hạt quinoa từ dãy Andes Nam Mỹ.

Dù ít được biết đến ngoài một số khu vực của châu Âu và Bắc Mỹ, salicornia là một loài thực vật từ miền nam Hoa Kỳ cần nước mặn để phát triển. Loại thực vật này đã được vận chuyển đến sa mạc Dubai, nơi nó đang phát triển mạnh. Trung tâm coi salicornia là "siêu anh hùng sa mạc" nhờ khả năng thích ứng và tính linh hoạt của cây. Loại cây này được sử dụng để sản xuất lương thực và đang được thử nghiệm như một loại nhiên liệu sinh học.

ICBA hiện đang sản xuất khoảng 200 kg quinoa và 500 kg salicornia để nghiên cứu và gieo hạt, đồng thời hợp tác với một công ty thực phẩm ở Dubai để phát triển các sản phẩm thực phẩm làm từ salicornia với mục đích nâng cao sự chấp nhận của người tiêu dùng.

Lyra tin rằng việc suy nghĩ lại về các loại thực phẩm mà nông dân trồng có thể có tác động lâu dài trong những môi trường này.

Liên hợp quốc ước tính có khoảng 41 triệu người hiện đang đứng trước bờ vực của nạn đói. Chỉ với 11% diện tích đất trên thế giới được sử dụng cho sản xuất cây trồng, nông nghiệp sa mạc đang trở thành một lựa chọn thực sự trong môi trường khắc nghiệt, khi hàng triệu người sống trên những vùng đất màu mỡ bỗng chốc biến thành sa mạc.

Các quốc gia như UAE, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực, đang dần dựa vào các công nghệ khác nhau như trang trại thẳng đứng trong nhà và nhà kính thông minh trên sa mạc để tăng sản lượng lương thực địa phương.

Joshua Katz coi những nỗ lực như ICBA là một ví dụ về cách các chính phủ có thể sử dụng công nghệ để cải thiện sản xuất địa phương và chuẩn bị cho tương lai.

ICBA hiện đang xem xét, điều chỉnh các kỹ thuật của mình ở Trung Á và châu Phi cận Sahara, với mục đích mang lại sự đa dạng hóa cây trồng và năng suất sử dụng nước cho các khu vực có vấn đề về nhiễm mặn nghiêm trọng.

Ý An (Lược dịch)