Sức khỏe

Hà Nội ghi nhận số ca mắc tay chân miệng, thủy đậu tăng cao

Thứ hai, 3/4/2023 | 16:27 GMT+7
Ngày 3/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin về số ca mắc và cách phòng tránh bệnh tay chân miệng, thủy đậu trên địa bàn. Những ngày qua, thành phố Hà Nội ghi nhận số ca mắc tay chân miệng, thủy đậu tăng cao.

Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 24 - 31/3), Hà Nội ghi nhận 166 trường hợp mắc thủy đậu, tăng 80 ca so với tuần trước. Số ca mắc tay chân miệng tăng gấp 1,8 lần so với tuần trước, tuy nhiên phần lớn ca bệnh là tản phát. Dự báo, trong thời gian tới, thành phố có thể tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca bệnh tại các quận, huyện, thị xã.

CDC Hà Nội cho biết, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao với các chùm ca bệnh trong trường học. Bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng vào giai đoạn giao mùa. Do đó, số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Vì vậy, thành phố Hà Nội cùng các đơn vị, cơ sở tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, biến chủng trên thế giới và Việt Nam để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và giáo dục trong công tác phòng chống, xử lý các ổ dịch bệnh tay chân miệng, thủy đậu trong trường học. Theo dõi sát tình hình sức khỏe học sinh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.

Tăng cường phòng tránh bệnh tay chân miệng, thủy đậu trên địa bàn Hà Nội

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu phát triển và lây lan, bệnh gây ra nhiều biến chứng như: viêm phổi, viêm não. Di chứng sau đó có thể kèm theo như: điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động…

Đối với bệnh thủy đậu, đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây cao và dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Hiện bệnh không có biện pháp điều trị đặc hiệu mà chỉ thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. Trong khi đó, bệnh có thể lây lan nhanh chóng và trở thành dịch nên việc phòng ngừa là rất quan trọng. Cách tốt nhất và có hiệu quả nhất là tiêm vaccine chủng ngừa thủy đậu. 

Liên quan đến bệnh tay chân miệng, bệnh có thể xuất hiện quanh năm nhưng xuất hiện nhiều vào giai đoạn giao mùa. Trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện như: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).

Hiện, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Do đó, người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống.

Khánh An