Nông nghiệp sạch

Ngành nông nghiệp hợp tác phát triển cà phê cảnh quan, bền vững

Thứ ba, 14/2/2023 | 10:55 GMT+7
Ngày 13/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan làm việc với ông Daan Wensing, Tổng giám đốc toàn cầu Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) về việc phát triển cà phê cảnh quan.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, cà phê là một trong những sản phẩm nông sản xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam với gần 1,8 triệu tấn, tổng kim ngạch đạt trên 4 tỷ USD trong năm 2022, mang lại thu nhập cho hơn 700.000 nông hộ, trong đó hơn 95% sản lượng cà phê đến từ các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, sản xuất cà phê cũng là nguồn phát thải carbon đáng kể với đặc thù sản xuất manh mún, lạm dụng vật tư đầu vào như phân bón, hóa chất nông nghiệp, nước tưới, hệ thống trồng trọt còn thiếu đa dạng cây trồng.

Trong khi đó, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, tiếp cận nền nông nghiệp từ tư duy sản xuất sang tư duy chuỗi giá trị, tư duy kinh tế. Chiến lược không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn liên quan đến tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã hình thành từ lâu đời của nền nông nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững là một mục tiêu vô cùng quan trọng. Theo đó, nhiều chương trình khuyến nông cộng đồng, các hợp tác xã ở vùng nguyên liệu, các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp đã được xây dựng nhằm hướng tới khắc phục sự chia cắt, manh mún, nhỏ lẻ tại các ngành hàng, trong đó có cà phê, hồ tiêu.

Nhân dịp này, lãnh đạo Bộ NN&PTNT mong muốn IDH sẽ là một trong những nhân tố để hỗ trợ Bộ trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Tổng giám đốc toàn cầu Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững

Về phía IDH, ông Daan Wensing khẳng định, các sáng kiến đối tác phát triển bền vững, đối tác phát triển công tư của Việt Nam là những sáng kiến nổi bật của toàn cầu, mang tính chất tiêu biểu. Việc hợp tác cùng Bộ NN&PTNT cũng như các cơ quan địa phương, doanh nghiệp sản xuất và người nông dân đều đóng vai trò quan trọng vì vậy, IDH sẽ cùng Việt Nam nắm bắt rõ nhu cầu, xu hướng thị trường trên thế giới ví dụ như vấn đề thị trường carbon, giảm phát thải hay dự luật về thẩm định trách nhiệm và đảm bảo chống phá rừng.

Theo đó, hai bên trao đổi về định hướng, chiến lược hợp tác liên quan đến ngành hàng cà phê và hồ tiêu, giúp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khu vực Tây Nguyên theo hướng bền vững, giảm phát thải và đáp ứng với các yêu cầu thị trường.

Để phát triển ngành cà phê Việt Nam trong thời gian tới, bà Trần Thị Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực châu Á, Chương trình Cảnh quan của IDH đề xuất hai bên phối hợp triển khai, mở rộng một số hoạt động của tổ chức. Cụ thể như: xây dựng chính sách áp dụng cách tiếp cận cảnh quan để nhân rộng mô hình vùng nguyên liệu nông nghiệp bền vững, phát thải thấp, quy mô lớn tại tất cả các tỉnh Tây Nguyên; lồng ghép nguồn lực của Bộ NN&PTNT để phối hợp trong quá trình nhân rộng; hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh cà phê tiếp cận vốn vay ưu đãi nước ngoài để thử nghiệm cơ chế cho vay nông dân đầu tư vào các thực hành bền vững vùng nguyên liệu. Phối hợp với IDH thử nghiệm hệ thống thẩm định sản phẩm cà phê không mất rừng, đánh giá các vùng có nguy cơ mất rừng thấp, vừa và cao tại khu vực Tây Nguyên theo định nghĩa của Liên minh châu Âu.

Ngoài ra, hợp tác thí điểm mô hình bù đắp carbon trong chuỗi sản phẩm và theo thị trường tín chỉ carbon, chia sẻ lợi ích giảm phát thải và đưa ra khuyến cáo về mức phát thải tham chiếu cho các hệ thống canh tác cà phê - trồng xen, hướng tới thực hiện mục tiêu đạt 50% diện tích và sản xuất sản phẩm giảm phát thải thấp vào năm 2030 và không có phát thải carbon trong ngành cà phê, hồ tiêu... vào năm 2050.

Khánh An