Sức khỏe

Những thói quen uống nước gây hại cho cơ thể

Thứ sáu, 19/2/2021 | 15:55 GMT+7
Nước là thành phần thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người thế nhưng việc uống nước sai cách cũng chính là một nguyên nhân gây tổn thương cơ thể.

Dưới đây là một số thói quen uống nước gây hại cho gan, thận, có khả năng gây ung thư mà bạn cần thay đổi ngay.

Vừa ăn cơm xong đã uống nhiều nước

Nước rất cần thiết nhưng uống trong lúc no bụng quả là một quyết định sai lầm. Theo chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng Anju Sood (Bangalore, Ấn Độ), việc uống nước ngay sau bữa ăn vô cùng nguy hiểm, nó sẽ khiến dịch vị dạ dày bị pha loãng, hệ thống tiêu hóa bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng ợ nóng, ợ chua.

Đáng nói, khi hệ thống tiêu hóa bị gián đoạn, thực phẩm trong cơ thể sẽ bị chậm tiêu hóa khiến lượng đường trong máu tăng, có thể dẫn đến béo phì, tiểu đường. Theo chuyên gia, mọi người nên chờ 15 - 30 phút sau ăn rồi mới nên uống nước.

Thức dậy mà không uống nước

Sau một đêm ngủ dài, cơ thể rất cần được cung cấp nước nếu không có thể gây mệt mỏi, buồn ngủ, đau đầu, chóng mặt... Bác sĩ Alex Maliekal, bệnh viện St. Vincent Kuravilangad (Ấn Độ) cho biết, uống nước sau khi thức dậy sẽ làm sạch hệ thống đường ruột và tăng cường hoạt động trao đổi chất, nhờ vậy cơ thể sẽ đốt cháy mỡ thừa hiệu quả hơn. Ngoài ra, uống nước lúc này sẽ giúp chống táo bón, ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), giúp giảm cân, tăng cường hệ miễn dịch, chống hôi miệng và tăng cường trí não...

Việc uống không đủ nước là nguyên nhân hàng đầu làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và gây khát thường xuyên. Do đó, bạn hãy bắt đầu ngày mới bằng 1 - 2 cốc nước ấm.

Uống nước trái cây vào bữa sáng

Nhiều người có sở thích uống một ly nước ép trái cây tươi vào buổi sáng vì nghĩ rằng đây là hình thức nạp vitamin hiệu quả. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hong Zhongxin, Trưởng khoa dinh dưỡng của Bệnh viện Hữu nghị Bắc Kinh, nước trái cây ngọt, nhiều đường, nếu uống khi bụng đói sẽ khiến bạn mất cảm giác thèm ăn và bỏ qua bữa sáng - bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.

Ngoài ra, cơ thể con người thích môi trường ấm áp, đặc biệt là vào buổi sáng, nếu sử dụng đồ uống lạnh sẽ kích thích dạ dày ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ.

Uống nước ngọt thay nước lọc

Nước ngọt là thức uống yêu thích của rất nhiều người bởi hương vị thơm ngon, dễ mua, hợp khẩu vị. Tuy nhiên việc lạm dụng nước ngọt thay nước lọc sẽ ảnh hưởng đến thận vì chúng chứa nhiều đường fructose. Loại chất này làm đẩy nhanh quá trình tổng hợp acid uric trong cơ thể, dễ gây tăng acid uric máu, tăng gánh nặng chuyển hóa của thận.

Bên cạnh đó, nếu duy trì thói quen này thường xuyên sẽ có nguy cơ làm tăng nồng độ axit uric trong máu, gây bệnh gút, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì...

Uống nước quá nóng

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC) đã chỉ ra rằng đồ uống nóng trên 65 độ C là thực phẩm gây ung thư nhóm 2A. Theo IARC, nếu tiêu thụ đồ uống quá nóng như trà, cà phê... thì sẽ có nguy cơ mắc ung thư thực quản, ung thư khoang miệng, vòm họng, vì nhiệt độ cao có thể làm tổn thương các cơ quan này. Đồng thời, đồ ăn quá nóng cũng làm hệ thống tiêu hóa cũng như đường ruột dễ bị tổn thương nặng nề.

Tờ CNN (Mỹ) cũng từng đưa ra kết quả nghiên cứu được thực hiện trên hơn 50.000 người cho thấy, uống hơn 700ml trà nóng 60 độ C mỗi ngày làm tăng 90% nguy cơ ung thư thực quản. Trong thực tế, người Việt thường có thói quen sử dụng nước sôi 100 độ để pha trà. Nhưng niêm mạc thực quản rất dễ tổn thương. Thi thoảng sử dụng đồ nóng trên 65 độ C sẽ không gây hại nhưng theo thời gian sẽ gây tổn thương lặp đi lặp lại tại thực quản và hình thành ung thư.

Uống trà quá đặc

Theo tờ Abloluowang (Trung Quốc), trà đặc chứa nhiều florua, nếu uống thường xuyên có thể gây hại cho thận bởi thận là cơ quan bài tiết chính florua. Khi cơ thể thu nạp lượng florua vượt quá khả năng bài tiết của thận sẽ khiến chất này tích tụ trong cơ thể và ảnh hưởng đến chức năng của thận.

Ngoài ra, trong trà xanh có chứa chất tannin. Việc sử dụng quá nhiều trà xanh sẽ khiến gan phải làm việc quá tải, gây tổn thương gan.

Huyền Dung (T/h)