Sức khỏe

Tìm ra liệu pháp gen mới giúp kéo dài tuổi thọ

Thứ năm, 21/1/2021 | 10:43 GMT+7
Mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển một liệu pháp gen mới, có thể đảo ngược một số tác động của quá trình lão hóa ở chuột và kéo dài tuổi thọ của chúng, hứa hẹn có thể áp dụng trên người.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đã được công bố chi tiết trong một bài báo trên tạp chí chuyên ngành Science Translational Medicine vào đầu tháng 1/2021. Theo đó liệu pháp gen này hứa hẹn một ngày nào đó có thể ứng dụng cho con người, làm vơi bớt nỗi lo thường trực của nhân loại.

Theo Reuters, phương pháp này liên quan đến việc vô hiệu hóa một loại gen mang tên kat7, đây là yếu tố góp phần quan trọng vào quá trình lão hóa của tế bào.

Đồng chủ trì nghiên cứu, giáo sư Qu Jing, chuyên gia về y học tái tạo và lão hóa tại Viện Động vật học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) cho biết, liệu pháp mà họ sử dụng và chứng minh được kết quả là lần đầu tiên được công bố trên thế giới.

“Những con chuột được theo dõi cho thấy sau 6 - 8 tháng đã cải thiện đáng kể về ngoại hình cũng như sức mạnh bắt mồi, quan trọng nhất là chúng đã kéo dài thêm tuổi đời khoảng 25%”, giáo sư Qu nói.

Trước đó, nhóm các nhà sinh học từ các cơ quan trực thuộc CAS đã sử dụng phương pháp CRISPR/Cas9 để sàng lọc hàng nghìn gen và cho ra những gen đặc biệt khỏe mạnh chống lại sự lão hóa tế bào. Theo đó nhóm nghiên cứu đã phân định được 100 gen trong số khoảng 10.000 gen, và kat7 chính là gen hiệu quả nhất trong việc góp phần gây ra sự lão hóa trong tế bào.

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc tại phòng thí nghiệm

Kat7 là một trong hàng chục nghìn gen được tìm thấy trong tế bào của động vật có vú. Các nhà nghiên cứu đã ngăn chặn quá trình hoạt động của gen này trong gan của những con chuột bằng cách sử dụng một phương pháp gọi là vector lentiviral.

Giáo sư Qu cho biết thêm: Chúng tôi đã thử nghiệm chức năng của gen trong các loại tế bào khác nhau, gồm cả tế bào gốc của người, tế bào tiền thân trung mô, tế bào gan người và tế bào gan chuột. Kết quả là tất cả các tế bào này, chúng tôi đều không thấy bất kỳ độc tính nào và đối với những con chuột được nghiên cứu, chúng tôi cũng chưa thấy bất kỳ một tác dụng phụ nào.

Mặc dù vậy, phương pháp nghiên cứu liệu pháp gen này còn lâu nữa mới được thử nghiệm trên người. Theo giáo sư Qu, nhóm nghiên cứu vẫn cần phải theo dõi chức năng của kat7 trong các loại tế bào khác của con người cũng như các cơ quan khác của chuột và trên các động vật khác trước khi chúng tôi sử dụng phương pháp này để chống lại sự lão hóa của con người hoặc các tình trạng sức khỏe khác.

Bà Qu hy vọng sẽ sớm có thể thử nghiệm phương pháp nghiên cứu này trên động vật linh trưởng, tuy nhiên điều đó sẽ đòi hỏi rất nhiều kinh phí và các bước chuẩn bị. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tìm ra cách để trì hoãn sự lão hóa, cho dù xác suất thành công chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ trong tương lai.

Khánh Huyền (T/H)