Văn hóa, du lịch

Phát triển du lịch xanh và sản phẩm OCOP Quảng Bình

Thứ tư, 12/6/2024 | 11:06 GMT+7
Ngày 11/6, tỉnh Quảng Bình phối hợp tổ chức chương trình Hội nghị và Đối thoại “Du lịch xanh và sản phẩm OCOP Quảng Bình - Hành trình chinh phục thị trường”.

Sự kiện góp phần tuyên truyền chiến lược phát triển du lịch xanh, bền vững của tỉnh Quảng Bình; đồng thời thúc đẩy quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm OCOP Quảng Bình để chinh phục du khách trong và ngoài nước.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hoàng Xuân Tân cho biết, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh Quảng Bình xác định đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 117/KH-UBND Quảng Bình đã xác định 9 nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai tổ chức thực hiện phát triển kinh tế du lịch, tiếp tục khẳng định Quảng Bình là điểm đến hàng đầu Việt Nam và là trung tâm du lịch mạo hiểm của Đông Nam Á…

Phát triển du lịch xanh Quảng Bình

Ông Hoàng Xuân Tân chia sẻ, để đạt được mục tiêu trên, Quảng Bình đã và đang phát triển du lịch với phương châm “Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng – Hợp tác sâu rộng – Bao trùm toàn diện – Hiệu quả bền vững”. Hiện tỉnh đã cho ra mắt loạt sản phẩm du lịch mới với mục tiêu kép là mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách, đồng thời bảo đảm tôn trọng các tiêu chí về bền vững, thích nghi và phù hợp với xu thế đổi mới du lịch.

Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định phát triển du lịch nông nghiệp là một nội dung quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch xanh. Quảng Bình hiện có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn với 107 chủ thể kinh tế, số sản phẩm OCOP 4 sao đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung Bộ, với nhiều sản phẩm nổi bật như: khoai gieo, nước mắm, hải sản khô, các sản phẩm từ dược liệu…

Ông Hoàng Xuân Tân nhấn mạnh, thời gian qua, du lịch Quảng Bình đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đáng chú ý là việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới; trong đó, có các sản phẩm hàng lưu niệm mà OCOP là sản phẩm chủ lực. Sản phẩm OCOP tạo thêm nhiều việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thực hiện Chiến lược phát triển du lịch xanh và bền vững của tỉnh, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm du lịch cũng như sản phẩm OCOP Quảng Bình. Tăng cường quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; đẩy mạnh quảng bá tại các văn phòng lữ hành, đại lý du lịch trong và ngoài nước; tăng cường sự đoàn kết, đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau.

Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp OCOP cùng tham gia 4 phiên đối thoại với các chủ đề: Du lịch xanh – Phát triển bền vững; Hành trình Mỗi xã mỗi sản phẩm OCOP; Hành trình chinh phục thị trường các sản phẩm OCOP Quảng Bình; Kết nối du lịch và sản phẩm OCOP.

Linh Giang (T/H)