Sức khỏe

Sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra

Thứ năm, 30/11/2023 | 10:12 GMT+7
Ngày 29/11, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 494/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương.

Thông báo nhấn mạnh, thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Công tác phòng, chống dịch luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân, doanh nghiệp; phát huy đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn dân tộc; nâng cao tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế và tự lực, tự cường, tự chủ của cả dân tộc. Việc chống dịch phải hết sức bình tĩnh, kiên trì, bản lĩnh, tỉnh táo trước những diễn biến phức tạp; sáng suốt, linh hoạt đưa ra giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả...

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra; tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, bảo đảm đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch kể cả khi xảy ra tình huống xấu.

Chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác

Các bên liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp, nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế; triển khai hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao hơn nữa năng lực quản lý hành chính và công nghệ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt với những đối tượng chịu hậu quả, tác động của đại dịch, như trẻ em mồ côi.

Ngành y tế nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, bảo đảm chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch, nhất là đối với lực lượng tuyến đầu; quan tâm đầu tư việc nghiên cứu khoa học, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc điều trị, tiến tới làm chủ công nghiệp dược, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước, nhất là khi quy mô dân số đã lên tới hơn 100 triệu người và tốc độ già hóa nhanh chóng.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành sớm hệ thống tài liệu, dữ liệu về quá trình phòng, chống dịch Covid-19, tập trung vào các bài học kinh nghiệm để nghiên cứu, tham khảo, vận dụng, phát huy trong thực tiễn quản lý nhà nước và phòng, chống các loại dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tới. Tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế trong nước để tăng cường chủ động trong công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm; tổng hợp, giải quyết các kiến nghị về phòng, chống dịch theo thẩm quyền, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp rà soát, thống kê và xây dựng, triển khai chính sách chăm lo đời sống trẻ em mồ côi chịu hậu quả, tác động của dịch Covid-19.

Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ xây dựng bộ phim tài liệu về phòng, chống dịch Covid-19, những bài học kinh nghiệm lưu trữ lâu dài để tham khảo lãnh đạo chỉ đạo khi có các sự cố tương tự (hoàn thành trong quý II/2024).

Ngọc Mai