Thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, giảm thiểu chất thải nhựa

Thứ sáu, 8/9/2023 | 16:21 GMT+7
Ngày 8/9, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp tổ chức hội nghị Truyền thông nâng cao trách nhiệm mở rộng sản xuất nhằm giảm thiểu chất thải nhựa.

Hội nghị nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông về trách nhiệm mở rộng sản xuất (EPR) của các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong việc sử dụng nguyên liệu nhựa, tái chế, thu hồi, xử lý chất thải… giảm thiểu chất thải nhựa, hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Tại hội thảo, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT cho biết, EPR là một công cụ kinh tế tuân theo nguyên tắc thị trường và là cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải; thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm cho xã hội, giúp Chính phủ các nước đạt được các mục tiêu về môi trường. EPR và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết với nhau, EPR là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Hiện có khoảng hơn 400 hệ thống EPR khác nhau trên toàn cầu đang được các quốc gia áp dụng.

Quang cảnh hội nghị

Tại Việt Nam, mặc dù ý tưởng về EPR đã được thể chế hóa tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 nhưng trong 18 năm qua quy định EPR chưa được thực hiện hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Việc áp dụng tự nguyện mà không bắt buộc đã khiến mô hình EPR không phát huy được tác dụng mong muốn, không tạo ra cơ chế tài chính bền vững cho việc thu hồi, xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dụng; không có tác động đến quá trình sử dụng nguyên liệu, thiết kế sản phẩm dễ thu gom, tái chế, kéo dài vòng đời sản phẩm...

Trước xu hướng tất yếu của sự phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, việc bắt buộc áp dụng EPR đã dần trở nên cần thiết và nhanh chóng phải được thực hiện. Theo đó, đại diện Bộ TN&MT và Văn phòng Hội đồng EPR tham gia hội nghị đã cùng trao đổi, chia sẻ, giải đáp các câu hỏi của hiệp hội và doanh nghiệp trong thực hiện quy định chi tiết về trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất, nhập khẩu để doanh nghiệp nắm rõ hơn quy định của pháp luật, thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì cũng như trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải trong suốt vòng đời của sản phẩm. Đồng thời, phát huy vai trò và tích cực phối hợp với Bộ TN&MT phổ biến, cung cấp thông tin, tuyên truyền sâu rộng về EPR trong quá trình sản xuất, nhập khẩu tại các cơ sở sản xuất, nhập khẩu.

Nhân dịp này, Trung tâm Truyền thông TN&MT đã phát động cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”. Cuộc thi được phát động trên quy mô toàn quốc, nhằm lan tỏa và tôn vinh những kinh nghiệm, ý tưởng, mô hình, sáng kiến hữu ích trong giảm thiểu và xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy khả năng sáng tạo của cộng đồng trong sinh hoạt và sản xuất nhằm giảm thiểu, quản lý và xử lý hiệu quả chất thải nhựa, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Mỹ Dung