Công trình xanh

Triển khai các hoạt động thích ứng dựa vào hệ sinh thái đô thị tỉnh Quảng Bình

Thứ năm, 4/8/2022 | 08:53 GMT+7
Thúc đẩy triển khai thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái (EbA) là một trong những mục tiêu chính của dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris” (VN-SIPA). Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với các đối tác địa phương hiện đang triển khai các hoạt động thích ứng dựa vào hệ sinh thái đô thị tỉnh Quảng Bình.

Ba giải pháp EbA được triển khai thí điểm tại thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) gồm: mảng xanh đứng và vườn trên mái, hệ thống thoát nước đô thị bền vững và khu vực cảnh quan trữ nước. Các sáng kiến này nhằm giúp người dân thành phố Đồng Hới tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Giải pháp mảng xanh đứng và vườn trên mái được thực hiện tại trụ sở làm việc của Ban Quản lý Dịch vụ công ích thành phố Đồng Hới. Khu vực mái và mặt tiền của tòa nhà với diện tích 765m2 được phủ xanh bằng các loài thực vật. Bể trữ và lọc nước với dung tích 50m3 được xây ngầm dưới mặt đất để thu gom nước mưa từ các bề mặt, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng ngập lụt và thu gom nước mưa sử dụng cho việc tưới cây. Giải pháp này hướng tới giảm hiệu ứng đảo nhiệt và ngập lụt do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng của tòa nhà và các dịch vụ sinh thái.

Cây xanh đang dần dần phủ kín mặt trước tòa nhà Ban Quản lý Dịch vụ công ích thành phố Đồng Hới

Hệ thống thoát nước đô thị bền vững được thiết kế cho khu vực hoa viên tại ngã ba Bắc Lý với diện tích 352m2. Cấu trúc hệ thống bao gồm các đường ống thu gom nước mưa và một bể ngầm có khả năng trữ 150m3 nước. Hệ thống nhằm giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do ngập lụt và tạo ra một không gian xanh có khả năng thẩm thấu nước, phục vụ mục đích giải trí và giáo dục cho cộng đồng địa phương.

Các bước thi công đầu tiên tạo hình công viên cảnh quan trữ nước Cầu Rào

Khu vực cảnh quan trữ nước được xây dựng trong khuôn viên công viên sông Cầu Rào mới, nằm cạnh sông Cầu Rào. Với cách tiếp cận “làm chậm – lưu giữ - thoát nước”, biện pháp can thiệp bao gồm nhiều hạng mục như vỉa hè thẩm thấu, mương tự thấm, hành lang tự nhiên, khu vực trữ nước cho công viên giải trí công cộng. Biện pháp này nhằm tăng cường khả năng trữ nước của vùng đệm sông, mang lại lợi ích cho 29.000 người dân địa phương.

Theo GIZ