Nông nghiệp sạch

Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững

Thứ năm, 11/7/2024 | 14:13 GMT+7
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, ngày 10/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn kết nối sản phẩm khoa học công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân.

Thông tin tại diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, những năm qua, khoa học công nghệ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành nông nghiệp. Cụ thể, ứng dụng khoa học công nghệ bao trùm tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, công nghệ sau thu hoạch… và đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận (hoặc tương đương) nhiều loại cây trồng đạt khá như: việc tạo ra giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và thích ứng rộng.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp

Về chăn nuôi, hiện nay có 54 giống vật nuôi năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất gồm 11 giống mới, 12 giống ngoại nhập và 31 giống lai tạo. Đặc biệt, vaccine bệnh dịch tả lợn châu Phi “Made in Vietnam” chính thức xuất khẩu sang 5 quốc gia: Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar.

Đối với lĩnh vực thủy sản, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp sản xuất hàng loạt giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá chim vây vàng, cá nhụ, cá chiên, cá lăng, chạch chấu, hải sâm, ốc hương và các giống cá nước lạnh…

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, đến nay, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tập trung ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai… Nhìn chung, các mô hình ứng dụng công nghệ, đầu tư thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp thực tế sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư tập trung cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm của các đơn vị với quy mô lớn thay vì đầu tư nhỏ lẻ cho từng đơn vị như trước đây nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển, đặc biệt là một số thiết bị hiện đại tương đương khu vực và quốc tế.

Các địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng, xúc tiến thương mại... tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Minh Khang (T/H)