Một số loại thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm chóng mặt liên quan đến vấn đề hạ đường huyết.
Thực phẩm chứa protein
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/4/thit-trang-20241004143534503.jpg)
Protein giúp ổn định lượng đường trong máu và có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm chứng chóng mặt do bỏ bữa, ăn không đủ, hạ đường huyết. Theo Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Hoa Kỳ), tăng lượng protein trong chế độ ăn uống có thể làm giảm các triệu chứng của hạ đường huyết.
Các nguồn protein tối ưu nhưng ít chất béo bão hòa có thể bổ sung trong chế độ ăn hàng ngày bao gồm: thịt trắng không da, gia cầm, cá, các loại đậu, lòng trắng trứng, đậu phụ và sản phẩm từ sữa hoặc đậu nành ít béo.
Ngũ cốc nguyên hạt
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/4/ngu-coc-nguyen-hat-20241004143534269.jpg)
Ngũ cốc nguyên hạt là loại ngũ cốc không bị mất đi các chất dinh dưỡng quan trọng trong quá trình chế biến thực phẩm. Chúng cung cấp một lượng lớn chất xơ và chất dinh dưỡng như sắt, vitamin B.
Các chuyên gia khuyên rằng, nên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt thay cho ngũ cốc tinh chế như một biện pháp ngăn ngừa chóng mặt và các triệu chứng hạ đường huyết khác. Những người bị thiếu máu, thiếu sắt, đặc trưng bởi chóng mặt và mệt mỏi có thể ăn ngũ cốc nguyên hạt thường xuyên để hạn chế tình trạng chóng mặt do hạ đường huyết.
Nước ép trái cây
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/4/nuoc-ep-20241004143534410.jpg)
Lượng đường trong máu giảm mạnh có thể gây ra tình trạng chóng mặt đột ngột, dữ dội. Do đó, để ngăn ngừa tình trạng trên, cần theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên và có chế độ ăn uống lành mạnh.
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị, một bữa ăn nhẹ nên chứa 15 - 20 gram carbohydrate. Chế độ ăn này là một biện pháp hiệu quả giúp khắc phục tình trạng lượng đường trong máu giảm đột ngột. Bạn có thể uống nửa cốc nước ép trái cây nguyên chất, một ít nho khô hoặc trái cây sấy khô để bổ sung lượng carbohydrate trong trường hợp cần thiết.
Theo laodong.vn