Bản tin môi trường số 12/2022

Thứ hai, 4/4/2022 | 11:00 GMT+7
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa phối hợp với Diễn đàn kinh tế thế giới và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức Lễ ra mắt nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP).

Triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam

Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam gồm: ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, trưởng nhóm công tác; 3 Phó trưởng nhóm là: bà Kristin Hughes, thành viên Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới; bà Nguyễn Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình Giảm nhựa, WWF; ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT và 35 thành viên.

Lễ ra mắt Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam

Phát biểu tại lễ ra mắt, trưởng nhóm công tác, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, đô thị hóa với nhiều trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch và công nghiệp lớn phát triển với tốc độ ngày càng cao. Việc tiêu thụ nhựa ngày càng nhiều dẫn đến gia tăng chất thải nhựa, tăng nguy cơ ô nhiễm trắng, tăng sức ép tới hệ thống quản lý môi trường nếu không được quản lý hiệu quả, khoa học.

Để Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam có sức lan tỏa và có giá trị lớn hơn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ban hành Quyết định thành lập nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam.

Thứ trưởng khẳng định, Lễ ra mắt nhóm công tác là cơ hội rất tốt để xây dựng, củng cố mối quan hệ, kết nối các chủ thể công, tư và cộng đồng nhằm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về quản lý chất thải nhựa; biến thách thức về chất thải nhựa thành cơ hội, động lực cho Việt Nam triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế tri thức với việc ứng dụng công nghệ cao để giảm phát thải nhựa.

Bộ TN&MT: Tập huấn triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020

Mới đây, Bộ TN&MT tổ chức hội thảo tập huấn các quy định, chính sách của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết thi hành cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, ngay sau khi Luật được ban hành, Bộ TN&MT đã chủ động xây dựng tài liệu tuyên truyền các nội dung chính của Luật; phối hợp với một số Bộ, ngành, địa phương cử cán bộ tuyên truyền để phổ biến, tuyên truyền sâu hơn về các chế định mới; đăng tải rộng rãi các bài viết, ấn phẩm phổ biến các quy định mới quan trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng; đặc biệt đã mở chuyên mục "Tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị về chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường" trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường để tiếp nhận, giải đáp, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp trong triển khai quy định mới của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hội thảo tập huấn phổ biến các quy định, chính sách của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản quy định

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng quan về các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; 5 chuyên đề chuyên sâu về: phân loại dự án đầu tư theo tiêu chí môi trường, đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, quản lý chất thải rắn sinh hoạt và một số quy định khác về quản lý chất thải; phân vùng môi trường, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh và thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.

Trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại hội thảo, Bộ TN&MT sẽ tổng hợp, đăng tải chính thức toàn bộ nội dung hỏi đáp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, tiến tới ban hành sổ tay hướng dẫn triển khai chi tiết các quy định mới của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu truyền thông đa phương tiện về bảo vệ môi trường và tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nêu cao vai trò của người cao tuổi trong bảo vệ tài nguyên môi trường

Bộ TN&MT vừa ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022 - 2026 với Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Chương trình phối hợp hướng tới việc thúc đẩy công tác quản lý nhà nước, góp phần bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động mọi lực lượng xã hội vào việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên quốc gia góp phần phát triển bền vững đất nước.

Lễ ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022 - 2026

Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, môi trường, đất đai, khoáng sản, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu… là những lĩnh vực nóng, đòi hỏi phải có sự đổi mới về nhận thức quản lý, bảo vệ tốt hơn. Do vậy, Hội Người cao tuổi Việt Nam, với vai trò, sứ mệnh quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ, sẽ phát huy lợi thế của mình, tích cực tham gia thúc đẩy việc quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hướng tới việc phát triển xanh, bền vững.

Để thực hiện các mục tiêu của bản ghi nhớ, hai cơ quan đã thống nhất trong giai đoạn 2022 - 2026 sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Hội và hội viên đối với các hoạt động quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia liên quan đến biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc (COP26).

Cùng với đó, hai bên sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua "Tuổi cao - Gương sáng" tham gia quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát hiện và nhân rộng các mô hình, điển hình người cao tuổi bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khả Như