Bản tin môi trường số 5/2023

Thứ hai, 6/2/2023 | 09:00 GMT+7
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 622/QĐ-UBND về việc kiện toàn tổ chức và hoạt động Quỹ Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội.

Kiện toàn Quỹ Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội

Quyết định nêu rõ, Quỹ Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Quỹ hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Quỹ có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính; thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định pháp luật hiện hành…

Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính trong phòng, chống thiên tai

Theo quyết định, bộ máy quản lý và điều hành Quỹ bao gồm: Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát và cơ quan quản lý Quỹ. Chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ phân công và được quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ, do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ ban hành theo đề nghị của cơ quan quản lý Quỹ.

UBND thành phố giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chỉ đạo cơ quan quản lý Quỹ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng quyết định quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ, báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Quỹ xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ, báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ xem xét, quyết định; tổ chức thu, chi, nộp Quỹ theo quy định tại Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai.

Bộ Quốc phòng hưởng ứng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Quý Mão

Mới đây, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Quý Mão 2023 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Quý Mão 2023 của Bộ Quốc phòng là hoạt động hưởng ứng phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh "Vì một Việt Nam xanh" do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm, các đơn vị trong toàn quân đã đồng loạt tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" trong khuôn viên doanh trại, trồng rừng trên diện tích đất được giao quản lý; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị nơi đóng quân làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng.

Bộ Quốc phòng hưởng ứng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Quý Mão 2023

Thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các cấp sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, quán triệt cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thực hiện nghiêm chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ thị, kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trong đó, các cơ quan, đơn vị rà soát, quy hoạch quỹ đất, điều chỉnh kế hoạch trồng cây, trồng rừng và bảo vệ, chăm sóc cây trồng cụ thể, chi tiết để thực hiện. Việc tổ chức trồng cây phải bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để huy động được sự vào cuộc của các tổ chức quần chúng. Phải lựa chọn thời điểm tổ chức "Tết trồng cây" phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, mùa vụ trên từng địa bàn để bảo đảm cây sau khi trồng đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả. Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng, lựa chọn giống cây phù hợp, ưu tiên các loại cây bản địa, trồng đa dạng cả cây lâm nghiệp, cây bóng mát, cây ăn quả.

Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Nghệ An

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 237/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2023 của dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tỉnh Nghệ An".

Theo kế hoạch, dự án có 5 tiểu hợp phần chính bao gồm: cải thiện quản lý rừng của cộng đồng dân cư/quản lý rừng có sự tham gia của người dân; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng; tăng cường thực thi pháp luật đối với các vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; cải tiến giải pháp kỹ thuật quản lý rừng sản xuất; huy động các nguồn lực cho quản lý và bảo vệ rừng.

Hỗ trợ kỹ thuật nhằm quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Nghệ An

Trong đó, có các hoạt động cụ thể được triển khai gồm: tăng cường năng lực cho các bên liên quan của Việt Nam để xây dựng và thực thi các mô hình và phương pháp tiếp cận quản lý dự án có sự tham gia của người dân; hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cộng đồng để tham gia hiệu quả vào quản lý rừng; phát triển các chuỗi giá trị và tăng cường các doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn tại các khu vực quản lý rừng bền vững (SFM); hỗ trợ thực thi pháp luật đảm bảo tính nghiêm minh trong bảo vệ rừng bền vững thông qua phân tích và lập kế hoạch hành động.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Ban quản lý dự án hỗ trợ kỹ thuật VFBC căn cứ vào kế hoạch hoạt động năm 2023 để tổ chức thực hiện kế hoạch đảm bảo đúng các quy định hiện hành trong nước và của nhà tài trợ.

Linh Giang