Sức khỏe

Cẩn trọng trong phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ khi phát hiện ca mắc mới

Thứ ba, 26/9/2023 | 14:50 GMT+7
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ gửi Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh; Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh; Sở Y tế Đồng Nai và Sở Y tế Bình Dương.

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, ngày 23/9/2023, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 1 trường hợp nam bệnh nhân 25 tuổi, thường trú tại xã Xuân Trường, Xuân Lộc, Đồng Nai, hiện đang tạm trú tại Vò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh dương tính với bệnh đậu mùa khỉ.

Trong 1 tuần gần đây, bệnh nhân có tiếp xúc với bạn gái tạm trú tại thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, hiện bạn gái có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ (phát ban dạng mụn mủ quanh cơ quan sinh dục); không ghi nhận bệnh nhân đi nước ngoài hoặc tiếp xúc với người nước ngoài trong vòng 21 ngày kể từ ngày dương tính với bệnh đậu mùa khỉ.

Cần tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ khi phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ mới

Để kịp thời giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời, không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng đề nghị Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2265/QĐ-BYT ngày 22/8/2022 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Cục Y tế dự phòng lưu ý, cần chủ động, phối hợp, khẩn trương điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ nêu trên để xác định nguồn lây nhiễm nhằm quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có) không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Các đơn vị y tế cần tổ chức điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị; thực hiện công tác truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, không để người dân hoang mang lo lắng không cần thiết...

Đối với Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Cục Y tế dự phòng đề nghị hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời về chuyên môn, kỹ thuật các địa phương trong công tác giám sát, lấy mẫu, chẩn đoán và khoanh vùng xử lý ổ dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Lưu ý, quá trình nhiễm bệnh đậu mùa khỉ được chia làm 2 giai đoạn với các dấu hiệu đặc trưng. Giai đoạn đầu khi virus xâm nhập, kéo dài từ 0 - 5 ngày, triệu chứng đặc trưng là sốt, nhức đầu dữ dội, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau lưng đau cơ và suy nhược cơ thể (thiếu năng lượng). Nổi hạch là điểm khác biệt của đậu mùa khỉ so với những bệnh khác, có biểu hiện ban đầu tương tự như thủy đậu, sởi, đậu mùa thông thường. Giai đoạn thứ hai là phát ban trên da, thường biểu hiện trong 1 - 3 ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt. Phát ban có xu hướng tập trung nhiều ở mặt và tứ chi hơn là thân. Phát ban tiến triển tuần tự, từ việc rát da (chưa nổi mẩn) đến sẩn ngứa (các nốt mẩn nhô cao), sau đó là mụn nước (tổn thương chứa dịch bên trong) và mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng). Cuối cùng, các vết thương đóng vảy trước khi rụng hết và khỏi bệnh. Các triệu chứng có thể tồn tại hơn 4 tuần mới hồi phục, nhưng thường biến mất sau 2 tuần. Da của người mắc bệnh sẽ hình thành sẹo do tổn thương.

Theo các chuyên gia y tế hàng đầu, một số triệu chứng đặc hiệu giúp phân biệt bệnh đậu mùa thông thường và bệnh đậu mùa khỉ là đậu mùa khỉ khiến các hạch bạch huyết sưng lên. Khi người bệnh bị sốt, virus đậu mùa khỉ gây phát ban khó chịu.

Thanh Bảo