Văn hóa, du lịch

Giám sát hoạt động đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Thứ sáu, 24/3/2023 | 11:13 GMT+7
Ngày 23/3, đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với thành phố Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, các đơn vị trường học đã chủ động rà soát, sắp xếp lại chương trình, kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế. Cụ thể, thành phố đã ban hành Quyết định quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có hướng dẫn các đơn vị trường học quy trình lựa chọn sách giáo khoa cho phù hợp với từng địa bàn.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã thực hiện công tác hướng dẫn đề xuất danh mục lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa thành phố thành lập hoạt động đúng quy định và tham mưu thành phố ban hành các quyết định phê duyệt danh mục sách. Các nhà trường đều được sử dụng đúng bộ sách đã lựa chọn...

Tuy nhiên, ngành giáo dục thành phố Hà Nội vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các Nghị quyết như: quy hoạch mạng lưới trường học còn những bất cập do tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, phân bố không đều; nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được tiếp tục xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học.

Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với thành phố Hà Nội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Sau khi nghe báo cáo, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc đầu tư nguồn lực, chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14. Đồng thời dành nhiều thời gian để trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018; việc thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa; tài liệu giáo dục địa phương; bảo đảm đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học…

Đoàn cũng đề cập đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên khi thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa, nhất là khi dạy các chương trình tích hợp; sự chênh lệch về đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học giữa khu vực trung tâm và các huyện…

Dịp này, thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội xem xét giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể việc định giá mặt hàng sách giáo khoa; kiến nghị Chính phủ quy định tỷ lệ trường học, biên chế giáo viên theo tình hình dân cư và tăng cường ứng dụng phương thức dạy học trực tuyến để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho giáo dục và đào tạo; bảo đảm kinh phí đầu tư dành cho giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển lâu dài của Thủ đô. Hiện thành phố đang triển khai xây dựng cơ chế tự chủ theo đơn giá, định mức và cơ chế đặt hàng trong lĩnh vực giáo dục, vấn đề thiếu giáo viên sẽ được hạn chế, tạo điều kiện thu hút đầu tư của xã hội cho giáo dục.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất, Chính phủ cần phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tạo sự đa dạng, sáng tạo, linh hoạt trong chỉnh thể thống nhất, giúp địa phương chủ động hơn về cơ sở vật chất, kinh phí, mô hình…

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thành phố Hà Nội rà soát, đánh giá quy hoạch cơ sở giáo dục trên địa bàn để xem xét, điều chỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu người học. Tăng cường đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục công lập, khuyến khích phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, thành phố cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, rà soát, đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới phù hợp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông để tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và xã hội về việc triển khai thực hiện; sơ kết đánh giá, nhân rộng mô hình, cách làm hay đối với việc triển khai thực hiện nghị quyết.

Mỹ Dung (T/H)