Công trình xanh

Kiến trúc bền vững vì một tương lai không carbon

Thứ hai, 8/11/2021 | 14:40 GMT+7
Sử dụng các vật liệu hiện đại như aerogel, vật liệu nano, sợi thủy tinh, bọt kim loại, bê tông sóng... đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng sẽ là những giải pháp hiệu quả cho công trình, thành phố bền vững, không carbon trong tương lai.

Tọa đàm “Kiến trúc bền vững – Vì một tương lai không carbon” vừa được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình hiệu quả năng lượng Việt Nam 2021 (VEEBW 2021). 

Tọa đàm nhằm trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về đổi mới sáng tạo đã được ứng dụng thành công; từ đó đưa tới những góc nhìn mới mẻ trong phát triển kiến trúc và vật liệu theo hướng góp phần cắt giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng thị trường xây dựng Việt Nam. 

Trên thế giới, lộ trình khử carbon trong công trình đã và đang được xúc tiến bởi những phương pháp thiết kế kiến trúc bền vững. Đồng thời, sự phát triển của công nghệ vật liệu cũng mở ra nhiều cơ hội giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong kiến trúc và xây dựng. Theo Ủy ban châu Âu, đổi mới trong công nghệ vật liệu xây dựng có thể giảm 80% lượng phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất và xử lý vật liệu xây dựng. 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc điều hành kinh doanh toàn quốc LIXIL Việt Nam cho biết: “Dựa trên Tầm nhìn về môi trường LIXIL đặt ra, chúng tôi cam kết đạt được chính sách “Không carbon và sống tuần hoàn”, tập trung vào ba lĩnh vực: thúc đẩy giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu để đạt được mức phát thải CO2 thuần bằng không thông qua các hoạt động kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ; đạt được tính bền vững về nước nhằm nâng cao giá trị môi trường của tài nguyên này bằng cách tiết kiệm, tuần hoàn và làm sạch; thực hiện một nền kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ vòng đời của các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi”.

Sự phát triển của công nghệ vật liệu mở ra nhiều cơ hội giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong kiến trúc và xây dựng

Sau đó, phần trình bày của các khách mời quốc tế tập trung vào những ví dụ về xu hướng, ứng dụng của kiến trúc, vật liệu xây dựng có thể đóng góp cho quá trình khử carbon. 

Kiến trúc sư danh tiếng Salvador Pérez Arroyo chia sẻ về một số xu hướng kiến trúc hiện đại kết hợp vật liệu bền vững. Theo ông Salvador Pérez Arroyo, để đạt đến tính bền vững cần có sự kế thừa những giá trị truyền thống, kết hợp với công nghệ hiện đại trong kết cấu, xây dựng. Thêm vào đó, ông nhấn mạnh vai trò của công nghệ vật liệu. Những vật liệu hiện đại như aerogel, vật liệu nano, sợi thủy tinh, bọt kim loại, bê tông sóng... với đặc tính dễ dàng vận chuyển, chất lượng cao và bền được xem là giải pháp cho các công trình, thành phố bền vững trong tương lai. 

Ông Karl Lennon, quản lý hỗ trợ các Công ty kiến trúc và nội thất LIXIL khu vực châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi chia sẻ về phương pháp tiếp cận sinh học Cradle to Cradle (C2C). Đây là giải pháp điển hình mà GROHE ứng dụng trong quá trình khử carbon trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Hiểu một cách đơn giản, đây là một phương pháp tiếp cận sinh học, được ứng dụng trong thiết kế công nghiệp và kiến trúc nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên và nguồn năng lượng tái tạo trong công trình.

Nói về kiến trúc bền vững không thể bỏ qua các công trình hiệu quả năng lượng. Ông Christopher Hoeh, chuyên gia được công nhận LEED đến từ Royal HaskoningDHV chia sẻ về các kinh nghiệm khử carbon trong công trình xây dựng. Theo nghiên cứu từ Royal HaskoningDHV, giai đoạn xây dựng chiếm lượng phát thải lớn nhất trong cả vòng đời công trình, tới 2/3 tổng lượng phát thải. Do đó, giải pháp về kiến trúc và sử dụng nguyên vật liệu vật liệu sẽ quyết định rất nhiều vào tính bền vững của công trình. Tiếp theo đó là các giải pháp về ứng dụng công nghệ như tiết kiệm điện hay tuần hoàn nước, vật liệu… sẽ giải quyết bài toán tiêu thụ năng lượng chính trong phần đời còn lại của công trình. 

Ông Christopher Hoeh cho rằng, Việt Nam còn nhiều cơ hội để giải quyết bài toán bền vững trong xây dựng. Đây là thời điểm để giới kiến trúc, xây dựng chú ý hơn tới các xu hướng bền vững như ứng dụng vật liệu nguồn gốc sinh học, vật liệu thép, bê tông có thể tái chế. 

Kiến trúc sư Đào Mạnh Hoàn, trưởng nhóm thiết kế Architectural Competitions (Studio 2050, CHLB Đức) chia sẻ góc nhìn về xu hướng kiến trúc tương lai. Theo ông Đào Mạnh Hoàn, một trong những tiêu chí mà giới kiến trúc hiện đại hướng đến là “nhẹ hóa công trình”. Theo đó, các vật liệu nhẹ, có kết cấu sinh học như tre, gỗ, vật liệu in 3D... đang được ứng dụng ngày càng nhiều trong kiến trúc. Đồng thời, đơn giản hóa kiến trúc, tiết giảm các chi tiết không cần thiết để trả lại không gian sinh hoạt, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng cũng nhằm đạt mục tiêu bền vững.

Đức Dũng