Sức khỏe

Những loại đồ uống có công dụng nhuận tràng, giảm táo bón

Thứ năm, 29/8/2024 | 11:27 GMT+7
Một số loại nước uống có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột hoạt động tốt và nhuận tràng, giúp giảm táo bón.

Táo bón là một loại rối loạn tiêu hóa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Táo bón có triệu chứng là không đại tiện quá ba ngày, phân khô, cứng, khó đi ngoài. Người bệnh táo bón có thể bị chướng bụng, đau hoặc xuất huyết hậu môn.

Khi bị táo bón, bạn cần uống đủ nước, bổ sung chất xơ hợp lý, khoảng 18 - 30g mỗi ngày. Lượng nước và chất xơ cần tiêu thụ phụ thuộc vào thể trạng từng người. Khi cảm thấy đầy bụng, đi ngoài khó, người bệnh có thể thử một số loại nước uống để thúc đẩy nhu động ruột hoạt động tốt và nhuận tràng.

Nước ép nha đam

Theo Viện Khoa học sức khỏe môi trường quốc gia (Mỹ), phần cùi của cây nha đam chứa hợp chất anthraquinone có tác dụng nhuận tràng, có thể chống lại tình trạng viêm ở đường tiêu hóa. Nha đam còn có công dụng kiểm soát các tình trạng tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS), táo bón mạn tính. Lưu ý, không uống quá nhiều nha đam cùng lúc vì dễ gây mất nước và tiêu chảy.

Cà phê

Bên cạnh công dụng giúp tỉnh táo, tập trung, cà phê còn mang lại nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa. Cà phê chứa caffein, có thể làm tăng lượng axit trong dạ dày, thúc đẩy nhu động ruột, có tác dụng nhuận tràng.

Nước hạt chia

Nước hạt chia có khả năng giảm táo bón nhờ lượng chất xơ dồi dào. 100g hạt chia có đến 87% là chất xơ không hòa tan. Loại chất xơ này không tan trong nước nên có thể hỗ trợ thức ăn di chuyển nhanh qua hệ tiêu hóa, làm tăng khối lượng phân, tạo cảm giác muốn đi ngoài.

Bạn có thể pha một thìa cà phê hạt chia với 200ml nước, ngâm trong 5 - 7 phút để hạt chia nở đều và thưởng thức vào mỗi buổi sáng. Kết hợp hạt chia với nước ép cam, táo, dứa nguyên chất để tận dụng lượng chất xơ, giảm cảm giác nhàm chán.

Nước ép mận

Mận tươi, mận khô hoặc nước ép mận đều có tác dụng nhuận tràng tương đương nhau. Trái mận chứa sorbitol, chất xơ và isatin giúp hỗ trợ điều chỉnh chức năng của cơ quan tiêu hóa, điều hòa nhu động ruột, bớt táo bón.

Bạn nên ưu tiên ăn mận tươi, khô để bổ sung nhiều chất xơ hơn. Không ăn mận khi bụng đói vì loại thực phẩm này chứa nhiều axit, dễ ảnh hưởng đến dạ dày.

Sinh tố

Không giống như nước ép, sinh tố giữ lại một phần chất xơ từ trái cây và rau củ. Vì vậy, bổ sung đủ lượng chất xơ vào chế độ ăn uống mỗi ngày rất có lợi cho sức khỏe tiêu hóa nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Một số loại sinh tố như cải kale, cà rốt, dâu tây, đu đủ, bơ có thể cung cấp chất xơ và enzyme tiêu hóa, hỗ trợ đi ngoài đều đặn.

Ngọc Mai (T/H)