Nông nghiệp sạch

Ổn định sản xuất, tiêu thụ ngành chăn nuôi bền vững sau dịch

Thứ ba, 26/10/2021 | 17:12 GMT+7
Ngày 25/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến về triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Theo Cục Chăn nuôi, 9 tháng qua, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn, trên 12 tỷ quả trứng và gần 900 ngàn tấn sữa; giá trị sản xuất của lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng 4,2%.

Thời kỳ dịch bệnh Covid-19 lần 4 đã làm đứt gãy hàng loạt chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi; khiến giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi tăng 16 - 36%, trong khi đó giá sản phẩm đầu ra rất thấp.

Để nối lại chuỗi cung ứng và khôi phục, ổn định sản xuất của ngành chăn nuôi trước đó, Cục Chăn nuôi cho rằng cần hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn để duy trì đủ nguồn cung cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu trong các tháng tới.

Nối lại chuỗi cung ứng và phát trển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững

Ngoài ra, các địa phương cần rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất (giống, thức ăn, máy móc thiết bị, vật tư…) để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất cụ thể trong mọi tình huống. Các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 cần đẩy mạnh phát triển sản xuất để hỗ trợ và bù đắp lại phần thiếu hụt cho các tỉnh chưa khống chế được dịch.

Tiếp tục khôi phục, tái đàn lợn; ổn định phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ và phát triển một số loại vật nuôi lợi thế trong điều kiện có dịch và sau dịch Covid-19. Các cơ quan chức năng cần tăng cường chỉ đạo triển khai mô hình chăn nuôi ăn toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, tăng cường chăn nuôi theo hướng hữu cơ, bền vững trong chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp mong muốn Bộ NN&PTNT, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Thú y sẽ có nhiều chương trình hợp tác, xúc tiến thị trường, thông tin cho các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam. Từ đó, tạo tiền đề cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.

Lắng nghe những báo cáo và ý kiến của các đại biểu tham gia hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, do ảnh hưởng của Covid-19 nên tiêu thụ nông sản nói chung và thịt lợn, gia cầm nói riêng phải chịu những ảnh hưởng nhất định. Những ngày gần đây, giá thịt lợn tăng trở lại theo từng ngày, giá gà công nghiệp cũng đã tăng do đó chúng ta cần phải tính toán để từ nay đến Tết 2022 có thể đảm bảo nguồn cung thực phẩm.

Từ nay đến cuối năm, nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tăng cao và phức tạp. Nếu không làm tốt về công tác thú y sẽ không đảm bảo hệ thống phòng chống dịch bệnh. Hiện tỷ lệ tiêm vaccine phòng cho gia súc, gia cầm ở các địa phương chưa cao, trong khi chỉ có vaccine mới đáp ứng được việc phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Mặt khác, các quy trình chăm sóc sức khỏe vật nuôi và những cơ sở nuôi dưỡng an toàn với dịch bệnh cũng giúp duy trì, củng cố phát triển ngành, đồng thời đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm để vừa đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ chủ động phối hợp cùng Bộ Công Thương để tiếp tục tiến hành kết nối cung cầu.

Phương An (T/H)