Nông nghiệp sạch

Tăng khả năng chống chịu hạn hán của nông nghiệp

Thứ năm, 14/7/2022 | 11:22 GMT+7
Ngày 13/7, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo “Nông nghiệp chống chịu hạn hán dựa vào cộng đồng – từ kinh nghiệm tới thực tế nhân rộng”.

Hội thảo là dịp để các tổ chức, ban, ngành địa phương thảo luận các cách nâng cao năng lực chống chịu hạn hán trong nông nghiệp và mất an ninh nguồn nước, thông qua phân tích, học hỏi, áp dụng các kinh nghiệm, sáng kiến của cộng đồng và các chương trình nông nghiệp đã triển khai.

Chương trình thuộc dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ thông qua UNDP, triển khai tại 5 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Đắk Nông trong thời gian 5 năm (2021 – 2026).

Theo báo cáo tại hội thảo, nền kinh tế Việt Nam dựa chủ yếu vào nông nghiệp và ngày càng chịu tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm thiên tai, thời tiết cực đoan như bão, lũ cùng những diễn biến thời tiết chậm như hạn hán và thay đổi lượng mưa, nhiệt độ…

Nâng cao năng lực chống chịu hạn hán trong nông nghiệp và mất an ninh nguồn nước

Tại hội thảo, các đại biểu cùng rà soát lại nhiều kinh nghiệm và bài học về chống hạn hán, trong đó tập trung thảo luận các nội dung liên quan tới Chiến lược và chính sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về hạn hán; chia sẻ kinh nghiệm của 2 vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ về khả năng chống chịu hạn hán và mất an ninh nguồn nước. Lắng nghe sáng kiến cộng đồng về sinh kế nông nghiệp thích ứng với hạn hán, đặc biệt theo vùng, mặt hàng/chuỗi giá trị, tiết kiệm nguồn nước/nước tưới, chuyển đổi cây trồng, tổ chức nhóm nông dân cũng như nêu bật vai trò của khuyến nông trong việc hỗ trợ cộng đồng, phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số trong việc thích ứng sinh kế với hạn hán.

Nhân đây, các đại biểu mong muốn đổi mới phương pháp tiếp cận hiện đại gắn liền với tri thức bản địa và những kinh nghiệm/sáng kiến từ cộng đồng, từ các bên liên quan, đặc biệt là các hợp tác xã, khối tư nhân, nhà khoa học...

Theo ông Trần Chí Trung, chuyên gia thủy lợi, mặc dù hạn hán là một hiện tượng khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng vẫn có thể giảm nhẹ những thiệt hại do nó gây ra thông qua việc phòng, chống hạn hán một cách có hiệu quả. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước và các cảnh báo, dự báo hạn để chỉ đạo phòng tránh và có chiến lược sử dụng hợp lý tài nguyên nước trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt.

Đặc biệt, trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm nước cần được thực hiện về cả 3 phương diện: quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất và tuyển lựa được các giống cây trồng có nhiều khả năng chịu hạn.

Xây dựng mới những hồ chứa có dung tích thích hợp nhằm tăng cường dòng chảy kiệt cho các hệ thống sông. Xây dựng mới và nâng cấp các công trình tưới tiêu, bảo đảm chủ động tưới tiêu trên phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp, vừa là giải pháp trước mắt vừa là giải pháp lâu dài phòng, chống hạn hán. Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Hội thảo kéo dài đến hết 15/7/2022, trong đó các đại biểu sẽ đi thực địa tại xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận và thảo luận về thực tiễn sáng kiến cộng đồng về sinh kế nông nghiệp thích ứng với hạn hán.

Minh Khang