Bản tin môi trường số 43/2022

Thứ hai, 7/11/2022 | 08:33 GMT+7
Mới đây, tại họp báo trực tuyến về Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27), đại diện Liên Hợp Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các quốc gia trong việc xử lý các vấn đề lên quan đến biến đổi khí hậu.

Hợp tác giữa các quốc gia để chống biến đổi khí hậu

Tại cuộc họp, ông Mahmoud Mohieldin, nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại COP27 chỉ ra rằng, sự hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển là yếu tố cần thiết và quan trọng để giúp các nước nghèo xử lý các vấn đề có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ông Mahmoud Mohieldin, nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại COP27

Ông Mahmoud Mohieldin cũng nhấn mạnh lại việc chống biến đổi khí hậu là thông điệp quan trọng nhất của COP27. Hội nghị COP27 sẽ tập trung thảo luận việc cung cấp tài chính, thực hiện các biện pháp thích ứng và giảm thiểu một cách bình đẳng khí thải và giải quyết các tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.

Cụ thể, 50 dự án về phát triển và khí hậu, kết quả của 5 sáng kiến bàn tròn khu vực do Ai Cập và Liên Hợp Quốc bảo trợ sẽ được giới thiệu tại hội nghị lần này. Đây sẽ là những sáng kiến quan trọng, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong cùng khu vực về vấn đề phát triển và chống biến đổi khí hậu, bên cạnh việc đưa ra những ý tưởng về cơ chế tài trợ và thực hiện các dự án.

Đặc biệt, đại diện Liên Hợp Quốc cũng khẳng định lại tầm quan trọng của các nước phát triển trong việc thực hiện cam kết Copenhagen là tài trợ hàng năm 100 tỷ USD cho chống biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển. Trong đó, các Ngân hàng phát triển quốc gia (NDB) cần tích cực trong việc tham gia tài trợ các dự án và giảm thiểu rủi ro tài chính.

Việt Nam hưởng ứng Ngày Quốc tế về khu dự trữ sinh quyển

Ngày 3/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng và Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế về khu dự trữ sinh quyển.

Năm 2022, sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại nhiều quốc gia trên khắp các châu lục một lần nữa khẳng định ý nghĩa quan trọng của lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh đa dạng sinh học chính là nền tảng để con người xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu về khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, nguồn nước và sinh kế bền vững cho người dân, qua đó giữ gìn hành tinh xanh cho các thế hệ mai sau.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế về khu dự trữ sinh quyển

Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, nhân dịp này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có khu dự trữ sinh quyển và các bên có liên quan phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các khu dự trữ sinh quyển đối với sự sống của con người và thiên nhiên, đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, tăng cường quản lý và phát huy chức năng về bảo tồn, hỗ trợ và phát triển của các khu dự trữ sinh quyển tại địa phương.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa của khu dự trữ sinh quyển; áp dụng các mô hình sinh kế bền vững, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; xây dựng các khu dự trữ sinh quyển trở thành các mô hình mẫu về phát triển bền vững.

Thúc đẩy thanh niên hành động thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngày 1/11, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ công bố báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022”.

Lễ công bố báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022”

Phát biểu tại lễ công bố, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0, tham gia Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu cùng nhiều sáng kiến khác trong xu thế phát triển tất yếu của thế giới về chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển phát thải thấp. Để thực hiện được các cam kết này, không chỉ cần sự định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ mà còn cần sự quyết tâm, nỗ lực, chung tay của tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, trong đó có các đoàn viên, thanh niên – lực lượng tiên phong, những chủ nhân tương lai của đất nước. Mỗi hành động của các đoàn viên, thanh niên dù là nhỏ nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi nhận thức và tạo động lực mạnh mẽ để chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội sang hướng kinh tế carbon thấp, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022” gồm các chủ đề chính: thanh niên với chính sách khí hậu và quá trình ra quyết định, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn; giảm phát thải hướng tới phát thải ròng bằng 0, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Qua đó, báo cáo đề xuất một số hướng giải quyết, như phát triển cổng kết nối thông tin tài chính biến đổi khí hậu dành cho thanh niên, thúc đẩy vai trò của thanh niên trong quản trị khí hậu, ngoại giao khí hậu và xây dựng bộ tài liệu chuyên ngành dành cho thanh niên.

Lam An