Cần thêm hiệp ước quốc tế chung trước vấn nạn rác thải nhựa

Thứ tư, 27/10/2021 | 16:40 GMT+7
Mới đây, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Singapore công bố báo cáo “Một hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa: Góc nhìn từ châu Á”, qua đó kêu gọi chính phủ các nước cùng hợp tác xây dựng và ủng hộ một thỏa thuận toàn cầu mang tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa.

Theo báo cáo, việc tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, loại bỏ các rào cản thương mại, một khuôn khổ quốc tế mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia châu Á thực hiện những giải pháp như áp dụng mục tiêu cắt giảm cấp quốc gia, ban hành quy định pháp luật để loại bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần và triển khai cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

TS. Alison Budden, cố vấn chính sách cấp cao tại WWF Singapore đánh giá: Một hiệp ước toàn cầu mới sẽ là giải pháp cho các vấn đề còn tồn đọng trong khu vực như thiếu dữ liệu về vòng đời của nhựa, thiếu hụt kiến thức, giám sát không đầy đủ, quản lý chất thải nhựa kém hiệu quả, cũng như thiếu khả năng tiếp cận nguồn vốn và công nghệ.

Cần thêm cam kết hợp tác trong quản lý và tái sử dụng để tránh tình trạng ô nhiễm nhựa hiện nay

Đồng tình với đánh giá trên, điều phối viên Chính sách nhựa khu vực của sáng kiến "Vì một châu Á không có nhựa trong tự nhiên" Marilyn Quizon-Mercado nhận định: “Châu Á là khu vực chịu tác động nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng này. Theo báo cáo, trong khi một số quốc gia trong khu vực vẫn đang cân nhắc về việc thiết lập một khuôn khổ toàn cầu thì nhiều chính phủ đã và đang hướng về các nỗ lực chung để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Vì vậy, một hiệp ước toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa đại dương sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, hệ sinh thái và các nền kinh tế ở châu Á, đưa ra các giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa vốn đang gây các tác động nghiêm trọng trong khu vực".

Hiện nay, ngày càng có nhiều quốc gia kêu gọi đàm phán một hiệp ước toàn cầu mới, trong đó các nước thuộc khu vực châu Á như Nhật Bản, Maldives, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đông Timo và Việt Nam đều tán thành về tính cấp thiết của việc thành lập một hiệp ước Liên Hợp Quốc mới về ô nhiễm nhựa. Đây cũng là quan điểm của hơn 2/3 các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, hơn 75 doanh nghiệp và 2,1 triệu người dân toàn cầu.

Báo cáo “Một hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa: Góc nhìn từ châu Á” chỉ ra rằng, hiện có hơn 200 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm trên thế giới, 41% trong số đó không được xử lý đúng cách (đốt hoặc xả ra ngoài môi trường) ở một số quốc gia. Đáng lưu ý, 5 quốc gia xả rác thải nhựa xuống biển nhiều nhất đều thuộc khu vực châu Á, chiếm hơn 50% lượng rác thải nhựa đại dương trên toàn cầu.

Sự thiếu hiểu biết và đánh giá sai về tác động thật sự của nhựa có thể dẫn đến việc sản xuất nhựa tăng gấp đôi và ô nhiễm nhựa tăng gấp 3 lần vào năm 2040 . 

Khánh An (T/H)