Đảm bảo an ninh nguồn nước gắn liền với phát triển bền vững

Chủ nhật, 9/10/2022 | 16:09 GMT+7
Cần có những cơ chế, chính sách để chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và thay đổi cơ bản trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

Hiện hữu nguy cơ thiếu nước cho phát triển kinh tế - xã hội

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng phát triển cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, trữ lượng nguồn nước.

Nhu cầu về nước ngày càng tăng dẫn đến việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngày càng nhiều. Nhu cầu dùng nước ở nước ta do tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa… sẽ lên đến khoảng 130 - 150 tỷ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỷ m3). Điều đó cho thấy, nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn.

Cùng với đó, cạnh tranh giữa sử dụng nước cho thủy điện và các nhu cầu tiêu thụ nước khác, nhất là cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du một số lưu vực sông lớn đã xảy ra trong những năm gần đây.

Chất lượng môi trường nước đang kém dần đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng nghèo sống phụ thuộc nhiều vào môi trường tự nhiên... Ở nước ta, thách thức nguồn nước gắn liền với giảm nghèo. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch là 57%, trong khi đó tỷ lệ này ở thành thị là 89%. Nhiều hộ nghèo chưa được sử dụng nước sạch hoặc không có nhà vệ sinh. Điều này đã gây ra những áp lực lên nguồn nước, áp lực này càng trở lên khốc liệt hơn khi dân số tăng cùng với mặt trái của quá trình tăng trưởng kinh tế, biến đối khí hậu...

Đặc biệt, biến đổi khí hậu sẽ gây nên những hiện tượng bất thường về nước và nếu như không có biện pháp quản lý tốt sẽ gây thiệt hại cho tăng trưởng GDP hơn tác động của suy giảm kinh tế: có quá ít nước sẽ dẫn đến tình trạng hạn hán và ngược lại nếu có quá nhiều nước thì lại dẫn đến lũ lụt…

Điều này đòi hỏi Việt Nam và thế giới cần thay đổi cách tiếp cận về nước, nên coi nước là vấn đề toàn cầu; phải lên kế hoạch cho tương lai với thời tiết ngày càng biến động; cần phải có nhiều giải pháp thông minh hơn, quyết liệt hơn về hạ tầng, thể chế và thông tin trong ngành nước cũng như quan tâm coi các vấn đề về nước là thách thức liên ngành, liên chức năng.

Sử dụng hợp lý tài nguyên nước, tránh tình trạng thiếu nước, khan hiếm nước

Làm gì để quản lý nguồn nước tốt hơn?

Các mục tiêu phát triển của các quốc gia và công cuộc giảm nghèo toàn cầu phải được thực hiện dựa trên nguồn nước đảm bảo, phòng tránh được những tác động hủy hoại của lũ lụt và cân bằng với đòi hỏi về môi trường. Các quốc gia sẽ phải đảm bảo về nước, quản lý tốt hơn những bất ổn hôm nay cũng như biến đổi khí hậu trong tương lai.

Phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các đối tượng sử dụng nước. Các cấp phải chuẩn bị sẵn sàng để cân nhắc bài toán được/mất, đồng thời phải bảo vệ môi trường và các đối tượng bị thiệt thòi trong đó có người nghèo.

Để phân bổ tối ưu nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng cần điều chỉnh công tác quản lý nguồn nước hiện tại, tập trung vào cung ứng dịch vụ như: phải có sự tham gia của bên sử dụng vào công tác quản lý; điều tiết và giám sát tài nguyên nước tốt; xem xét nguồn tư nhân; đảm bảo dịch vụ phải đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng.

Theo các chuyên gia ngành nước, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về phân công trách nhiệm về quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, có việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành dự thảo và lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Cùng với việc sửa đổi Luật, cũng cần sửa đổi, bổ sung các quy định trong các lĩnh vực xây dựng, ban hành, hướng dẫn thực hiện quy hoạch môi trường lưu vực sông; phân vùng xả thải; cấp giấy phép xả thải vào các lưu vực sông; ban hành kiểm tra giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ môi trường lưu vực sông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về đánh giá công nghệ môi trường, công nghệ thân thiện với môi trường.

Phải quy định rõ trách nhiệm giám sát nước thải tại nguồn của cá nhân, tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm pháp lý của tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ nguồn nước. Việc giám sát, kiểm tra nước thải tại nguồn sẽ ngăn ngừa những vi phạm pháp luật về môi trường, qua đó có những biện pháp cụ thể kịp thời để xử lý.

Theo baotainguyenmoitruong.vn