Kết nối

Giảm nghèo bền vững nhìn từ kinh tế xanh

Thứ sáu, 24/11/2023 | 15:54 GMT+7
Mới đây, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam là một hình mẫu về giảm nghèo, nhất là một thời gian đặc biệt ngắn. Tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia sẽ nhìn vào Việt Nam để học hỏi những bài học đó”. Một trong những địa phương ở Việt Nam thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, đặc biệt Chương trình gắn với chiến lược kinh tế xanh là tỉnh Lâm Đồng.

Bài 4: Bền vững là sự song hành và đích đến

Tỉnh Lâm Đồng nằm trên 3 cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông lớn. Bảo vệ nguồn tài nguyên ở Lâm Đồng có tác động lớn trong khu vực, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, khu vực Đông Nam Bộ và ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiệm vụ giảm nghèo bền vững luôn song hành với bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá…

Người dân giữ rừng là tăng thu nhập

Hiện nay, Lâm Đồng có hơn 596 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 60% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, có đến trên 532,5 ngàn ha rừng hiện có là một thành quả rất lớn.

Lâm Đồng là một trong 02 tỉnh trên cả nước triển khai thực hiện khoán bảo vệ rừng (BVR) gần 14 năm nay. Đặc biệt, tiên phong thí điểm thành công chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là bước ngoặt của ngành lâm nghiệp. Mô hình này tạo ra cơ chế tài chính bền vững “lấy rừng nuôi rừng” bằng sản phẩm cung ứng DVMTR; giảm chi kinh phí hàng năm từ ngân sách tỉnh (200-250 tỷ đồng/năm). Khoán BVR còn là thực hiện giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế cho hơn 13 ngàn hộ gia đình sống gần rừng. Trong đó, hộ dân tộc thiểu số chiếm trên 77% với tổng diện tích trên 356 ngàn ha. Hiện nay, ngoài 12,5% diện tích khoán BVR ngoài lưu vực cung ứng DVMTR được chi trả mức tối thiểu, 87,5% diện tích khoán BVR toàn tỉnh cung ứng DVMTR đã chi trả mức khoán tăng dần hàng năm và đến nay vượt gấp từ 1,5 đến trên 02 lần mức đơn giá chi trả tối thiểu.

Những hộ đồng bào dân tộc Mạ huyện Bảo Lâm tuần tra kiểm soát trên diện tích rừng nhận giao khoán

Tổng diện tích khoán và tự quản lý BVR chi trả từ 02 nguồn kinh phí: ngân sách tỉnh và chi trả DVMTR là trên 458,3 ngàn ha, chiếm 85% diện tích đất lâm nghiệp có rừng toàn tỉnh. Trong đó, 03 chủ rừng là cộng đồng với tổng diện tích hơn 950,6 ha (thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng; thôn 6, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông và thôn Ka La Tơng Gu, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh). Chủ rừng là hộ gia đình được giao đất giao rừng tại 06 huyện, thành phố có 1.483 hộ với tổng diện tích hơn 6.653 ha (gồm các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên và thành phố Bảo Lộc). Diện tích hợp đồng khoán quản lý BVR bình quân toàn tỉnh là 22ha/hộ; số hộ hợp đồng diện tích trên 30ha là 953 hộ, chiếm tỷ lệ 5,9 %.

Qua rà soát, thu nhập từ hoạt động nhận khoán trên diện tích ngân sách chi trả DVMTR từ 20-25 triệu đồng/ha/năm đối với lưu vực sông Đồng Nai và từ 13-15 triệu đồng/ha/năm đối với lưu vực Sêrêpôk. Ông K’Brẹo, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh; ông K’Bách, xã Lộc Bắc huyện Bảo Lâm hay Ha Xori xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương)…đều có chung nhận xét rằng, BVR tốt là bảo vệ nguồn nước, khí hậu và có thu nhập để bà con trang trải cuộc sống gia đình. Phó Ban Lâm nghiệp xã Bảo Thuận, huyện Di Linh K’Bồi nói lý do mấy năm nay rừng được nhận khoán của xã không bị phá là vì “xã phân chia theo từng tổ để bảo vệ, có hỗ trợ và giám sát chặt chẽ”.  

Các hộ nhận khoán BVR thường xuyên thu gom rác thải để gìn giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên (ảnh: Tại Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà)

Ông Huỳnh Văn Bằng-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lâm Đồng cho biết: “Tỉnh có diện tích rừng lớn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, chủ trương khoán BVR đến hộ là chủ trương lớn của tỉnh. Với 400 ngàn ha rừng được chi trả hàng năm thì khoảng 95% diện tích được khoán đến các hộ. Những hộ nhận khoán được hỗ trợ một nguồn kinh phí hàng năm và thực sự đáng kể đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số…”.

Tại Hội nghị ở Đà Lạt, ngày 20/9/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên Trần Lưu Quang chỉ đạo các tỉnh tiếp tục quan tâm  thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG, đồng thời ông cũng cho biết, thời gian tới sẽ sửa đổi Luật Lâm nghiệp theo hướng tăng định mức tiền giao khoán quản lý BVR. Đây là tin rất vui khi người dân nhận khoán BVR tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững càng được củng cố vững chắc.

Rừng xanh, nước sạch và năng lượng tái tạo

Ở Tây Nguyên, Lâm Đồng có diện tích trồng rừng đứng hàng đầu. Sau 03 năm triển khai thực hiện Kế hoạch toàn tỉnh đã tổ chức trồng được trên 25,8 triệu cây xanh, đạt 51,6% kế hoạch toàn giai đoạn, trong đó trồng trên đất lâm nghiệp gần 4,7 triệu cây và trồng trên đất ngoài lâm nghiệp trên 21,1 triệu cây để tạo không gian xanh, lối sống xanh.

Bảo vệ rừng luôn đi đôi với khôi phục lại rừng là chủ trương lớn của Nhà nước và được người dân đồng thuận hưởng ứng. Những việc làm này vừa không tạo áp lực lên tài nguyên rừng do nhiều nguyên nhân như khai thác trái phép, lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp,…mà còn khôi phục, phát triển rừng bền vững, tăng trưởng chất lượng rừng. Người dân không tác động làm rừng suy thoái nhưng có thu nhập ổn định để cải thiện chất lượng cuộc sống bằng nhận giao khoán BVR, trồng dược liệu dưới tán rừng, trồng cây đa mục đích trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, phát huy các nghề truyền thống…Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2030 nguồn thu từ rừng đủ bù đắp kinh phí cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng từ 56% trở lên.

Hệ thống nước sạch đã được lắp đặt nơi vùng sâu của đồng bào K’Ho xã Gia Bắc, huyện Di Linh

Đánh giá việc các hộ dân được nhận khoán, Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn khẳng định: “Hoạt động khoán BVR có sự tham gia của người dân là phù hợp với năng lực lao động và nhận thức của người dân, cộng đồng sống gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình thực hiện đã từng bước cải thiện về: tuyên truyền vận động; tổ chức quản lý; tổ chức tuần tra giám sát; tăng nguồn thu; thành phần tham gia được mở rộng về đối tượng nâng cao về số lượng; duy trì ổn định thời gian khá lâu (30 năm, từ năm 1993 đến nay)”.  

Để bảo vệ nguồn tài nguyên, nông dân Lâm Đồng từng bước nâng cao nhận thức và thực hiện có hiệu quả những vấn đề về bảo vệ môi trường nông thôn, ứng phó  biến đổi khí hậu…Đó là những hoạt động thiết thực như tham gia các mô hình “Ngày chủ nhật vì môi trường”, “Vườn xanh, vườn sạch, vườn không rác”, “Trồng và chăm sóc cây bóng mát làng quê”, “Thu gom rác bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật”, “Đổi bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy quà tặng”, “Biến rác thành tiền”…

 

 

Người dân và các ngành,địa phương chung tay bảo vệ tài nguyên nước đầu nguồn tại hồ ĐăngKia

Với nhận thức về giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên ưu ái, nhiều vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng mô hình phát huy năng lượng tái tạo ngày càng rộng rãi. Đó là năng lượng mặt trời người dân lắp đặt điện mặt trời phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và điện chiếu sáng đường thôn…“Nông thôn mới” xanh, sạch, đẹp và ấm áp tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương thân…

Hành động tăng trưởng xanh cùng cả nước

Đầu năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm 5 mục tiêu tổng quát.

Nhiều hộ dân cùng nhau hợp tác sản xuất nông nghiệp tuần hoàn và sử dụng năng lượng mặt trời (Ảnh: Mô hình của anh Phạm Thế Tuấn và các hộ dân ở xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm)

Ngày 24/11, từ Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Hoàng Sĩ Bích, kết quả tăng trưởng xanh năm 2023 của tỉnh đã vươn lên nhiều nội dung quan trọng. Bao gồm các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp hiện đại xanh, sạch bền vững, thông minh có năng lực chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu thiên tai; sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị nông sản xanh. Đó còn là, phát triển hệ sinh thái nông lâm nghiệp hấp thụ, lưu giữ các-bon; tăng cường quản lý, BVR, phục hồi rừng tự nhiên; trồng, tái trồng rừng để kinh tế lâm nghiệp bền vững; Triển khai các hoạt động xây dựng nông thôn mới bền vững, thân thiện môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Hàng ngàn lượt người được ngành LĐ-TB&XH Lâm Đồng tập huấn Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình MTQG giàm nghèo bền vững

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG đã và đang được Việt Nam rất chú trọng. Mới đây nhất, ngày 30/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đã thảo luận việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình MTQG. Đại biểu bàn thảo sôi nổi để nhìn nhận toàn diện, căn cơ và trên cơ sở này sẽ có những quyết sách chiến lược phù hợp thực tiễn hơn.

Niềm hạnh phúc của trẻ em dân tộc Churu, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương không chỉ được ăn no và đến trường mà còn sống trong môi trường sinh thái xanh

Với tỉnh Lâm Đồng, qua gần một năm triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến nay, tỉnh đã đạt tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3% hàng năm (kế hoạch hộ nghèo duy trì giảm từ 1-1,5%/năm); thu nhập bình quân đầu người đạt 53,1 triệu đồng/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 77,3 tỷ đồng. Chỉ tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh đảm bảo thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chung của cả nước. Phía trước còn nhiều thách thức, đặc biệt giảm nghèo theo chiều sâu bền vững càng đòi hỏi sự nổ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo đóng vai trò quyết định…

Bài 1:  Lâm Đồng từ kết quả đến đột phá 

Bài 2: Chìa khóa của sinh kế là đa dạng hóa về mô hình

Bài 3: Hạnh phúc đong đầy từ nền nông nghiệp xanh

Minh Đạo
: giamngheo4