Sửa đổi luật để góp phần phát triển bền vững ngành dầu khí

Thứ sáu, 20/5/2022 | 14:42 GMT+7
Ngày 19/5, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức hội thảo "Một số vấn đề thực tiễn đặt ra trong hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí nhằm góp phần phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam" tại Hà Nội.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi lần đầu được đưa ra để các đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận.

Luật Dầu khí hiện hành được ban hành ngày 6/7/1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện phát sinh một số vấn đề mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí cần được nghiên cứu hoàn thiện. Một số quy định trong luật hiện hành chưa phù hợp thực tiễn đã có những thay đổi, chưa đồng bộ với các luật liên quan, chưa cập nhật tình hình phát triển năng lượng trong bối cảnh hiện nay.

Từ yêu cầu thực tiễn, ông Võ Trí Thành nhận định, cần xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí để phù hợp, tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.

Theo ông Võ Trí Thành, việc sửa đổi Luật Dầu khí hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan giúp mở “cánh cửa mới" cho ngành dầu khí Việt Nam nói riêng, cho hành trình phát triển năng lượng của đất nước nói chung. 

Hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí nhằm góp phần phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Huy Quý cho rằng, dự thảo Luật Dầu khí sau này có nhiều tiến bộ và cơ bản tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, đặc biệt là ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc phân cấp phân quyền được thể hiện rõ trong dự thảo. Nội dung trong tờ giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công Thương) cũng đã bảo đảm được yêu cầu.

Tuy nhiên, theo ông Quý, nội dung trong dự thảo vẫn chưa phù hợp với tờ giải trình cũng như yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, theo dự thảo Luật, đối với dự án dầu khí có hoạt động đầu tư xây dựng trên đất liền, phải bổ sung các nội dung khác được quy định trong Luật Xây dựng về báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với các hạng mục đầu tư xây dựng trên đất liền. “Dự thảo dẫn tới diễn giải rất khác nhau và không đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chúng tôi đề xuất nếu bổ sung các điều khoản của Luật Xây dựng thì cần phải cụ thể điều nào, khoản nào để tránh chung chung”, ông Quý đề xuất.

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang cũng cho rằng, dự thảo Luật dù đã tiếp thu ý kiến đóng góp song vẫn chưa thể hiện rõ những vấn đề mang tính thời đại, xu hướng mới như cục diện bản đồ năng lượng châu Á - nội dung có thể ảnh hưởng sâu rộng đến ngành dầu khí; việc thay đổi ứng dụng công nghệ tiên tiến, cạnh tranh giá; những nguồn năng lượng mới như đá phiến, băng cháy... Thêm vào đó, việc chồng lấn mỏ dầu với dự án khác, như dự án điện gió ngoài khơi có thể xảy ra, khi đó xử lý thế nào cũng chưa rõ. Hay về phạm vi áp dụng là ở vùng biển Việt Nam, trong khi hoạt động thăm dò, thám hiểm có thể ở nước ngoài thì Luật có nên khuyến khích không?

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện dự án Luật Dầu khí. Trong đó, dự thảo Luật cần thể hiện rõ những vấn đề có thể ảnh hưởng sâu rộng đến ngành dầu khí; bổ sung một số nội dung về xây dựng các công trình dầu khí; nêu rõ vị trí, vai trò của Tập đoàn Dầu khí quốc gia đối với sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam…

Hải Long