Nông nghiệp sạch

Cấp mã số vùng trồng tạo điều kiện xuất khẩu nông sản của Đắk Nông

Thứ sáu, 2/12/2022 | 15:25 GMT+7
Ngày 1/12, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản giao mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho hộ gia đình, hợp tác xã đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông đến thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, một số hộ gia đình, hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng là: mã số vùng trồng bưởi có ký hiệu PB.33.01.01.001 (IRADs:24464), thuộc xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, do hộ ông Mai Xuân Thìn làm đại diện, mã vùng trồng với 10ha bưởi sản xuất đạt sản lượng 14 - 20 tấn quả/năm; mã số vùng trồng chanh dây có ký hiệu VN-DNOOR0039, thuộc thôn Đăk R’tăng, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, do hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Tâm Hồng Phúc làm đại diện.

Giao mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho hộ gia đình, hợp tác xã đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông

Việc cấp mã số vùng trồng giúp người tiêu dùng, cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc; đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu thông qua việc sản xuất theo quy trình nhất định, có kiểm soát dịch hại, bảo đảm vấn đề an toàn thực phẩm. Người nông dân có ý thức hơn về vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.

Đặc biệt, việc được công nhận mã số vùng trồng là tín hiệu vui để xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín cho nông sản Đắk Nông nói riêng, Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế; đem lại lợi ích kinh tế, nâng cao đời sống cho người sản xuất. 6 loại cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 600ha gồm: cây vải (trên 110ha ở huyện Krông Năng); sầu riêng (230ha ở huyện Krông Pắk và thành phố Buôn Ma Thuột); chuối (150ha ở huyện Krông Pắk và Ea H’leo), bưởi (15ha ở huyện Buôn Đôn), xoài (40ha ở huyện Ea H’leo), thanh long (50ha ở huyện Ea H’leo); có 17 tổ chức, cá nhân được cấp mã số cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu đối với thị trường Trung Quốc. 

Được biết, trước khi cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu bưởi và chanh dây, Cục Bảo vệ thực vật đã tạo điều kiện để các sản phẩm cà phê của Đắk Nông được xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới. Một số thị trường đích của nông sản Đắk Nông là: Singapore, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Italia... Trong đó, Singapore là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Đắk Nông, chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu.

Mỹ Dung