Khuyến nghị đẩy nhanh quá trình khử carbon trong chuỗi giá trị toàn cầu

Thứ sáu, 7/4/2023 | 16:59 GMT+7
Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra khuyến nghị các quốc gia Đông Nam Á cần đẩy nhanh quá trình khử carbon trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).

Phát biểu tại một hội nghị ở Bali (Indonesia), Phó Tổng giám đốc ADB Winfried Wicklein cho biết, ASEAN là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, các quốc gia đang phải đối mặt với thách thức to lớn là vừa chống biến đổi khí hậu vừa phải duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Theo báo cáo của ADB, là công xưởng của thế giới, châu Á thải ra nhiều khí nhà kính (GHG) trong quá trình sản xuất hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Theo dự báo, khu vực này có thể phải đối mặt với tổn thất tới 30% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm vào năm 2100 do biến đổi khí hậu. Theo đó, đến năm 2100, khu vực này sẽ cảm nhận được tác động chung của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, du lịch, nhu cầu năng lượng, năng suất lao động, sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Trước đó, ASEAN cam kết đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng 50% trong thập kỷ hiện tại bằng cách tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Đồng thời đặt mục tiêu 23% năng lượng sơ cấp tái tạo vào năm 2025.

Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), việc thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon có thể giúp cắt giảm lượng khí thải và hoàn thành các mục tiêu khí hậu của ASEAN.

Đông Nam Á cần đẩy nhanh quá trình khử carbon trong chuỗi giá trị toàn cầu

Báo cáo của ADB lưu ý, các nền kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải củng cố vị trí của mình trong GVC để tăng cường khả năng cạnh tranh và khả năng phục hồi lâu dài trước những thách thức mới, bao gồm biến đổi khí hậu, thông qua các chính sách thúc đẩy quá trình khử carbon. Ngoài ra, cần thiết kế các biện pháp phi thuế quan và đặt ra mức thuế thấp (hoặc bằng 0) đối với hàng hóa thông minh, thân thiện với khí hậu. Các biện pháp này còn đẩy nhanh quá trình số hóa thương mại và thúc đẩy thương mại thông minh với khí hậu, cơ sở hạ tầng giao thông xanh và định giá carbon.

Tại Việt Nam, định giá khí thải carbon (các công ty trả một khoản tiền tương ứng với lượng CO2 mà họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh) chính là mấu chốt để giải quyết vấn đề khử carbon trong lĩnh vực sản xuất (chiếm 17% tổng lượng khí thải). Giá carbon đủ cao sẽ khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư vào thiết bị thải ra lượng carbon thấp. Việt Nam đã có kế hoạch đúng đắn để khởi động một thị trường carbon như vậy.

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi yêu cầu các cơ sở phát thải carbon lớn phải có mức cho phép phát thải bắt đầu từ năm 2025, bằng các khoản hỗ trợ do Chính phủ cấp hoặc mua trên thị trường. Để chuẩn bị cho vấn đề này, Chính phủ đang thiết lập một hệ thống kiểm kê GHG.

Thị trường carbon của Việt Nam sẽ được vận hành đúng thời điểm khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, theo đó yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu vào EU phải chịu mức định giá carbon tương tự các sản phẩm sản xuất tại EU. Việt Nam sẽ triển khai hệ thống định giá carbon của riêng mình, các nhà xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được bù đắp cho chi phí carbon đã phải trả tại quốc gia của họ.

Phương An