Sức khỏe

Nâng cao trình độ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y tế

Thứ năm, 4/11/2021 | 09:16 GMT+7
Mới đây, Ban chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/16-20) đã tổ chức Hội nghị tổng kết sau 5 năm thực hiện, trong đó khẳng định hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao trình độ khoa học và công nghệ về y dược nước nhà.

KC.10/16-20 là chương trình được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện từ năm 2016 nhằm ứng dụng, phát triển các kỹ thuật khoa học và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y dược, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao ngang với các nước đứng đầu ASEAN và các nước tiên tiến trên thế giới.

Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” được đánh giá là chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước thành công. Việc thực hiện thành công chương trình đã khẳng định hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2016 - 2020, góp phần nâng cao trình độ khoa học công nghệ về y dược nước ta, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh tật ở người.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh

Tại hội nghị, GS.TS Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc Học viện Quân y, chủ nhiệm chương trình KC.10/16-20 cho biết, sau 5 năm thực hiện, chương trình đã triển khai 40 đề tài và 6 dự án, phân bổ đều ở các nội dung nghiên cứu. Trong đó, đã công bố 36 bài báo quốc tế, 223 bài báo khoa học trong nước và đăng ký 25 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích...

Chương trình KC.10/16-20 cũng đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh, góp phần cứu sống nhiều người bệnh với chi phí khám chữa rẻ hơn so với điều trị ở nước ngoài như: ghép phổi, truyền máu song thai, các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư, kỹ thuật chẩn đoán trước sinh, ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị... Bên cạnh đó, chương trình đã góp phần thực hiện chính sách công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp nhiều đối tượng có điều kiện khó khăn được tiếp cận những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong khám, chữa bệnh.

Theo GS.TS Phạm Gia Khánh, một trong những thành công lớn nhất của chương trình đó là nhiều kỹ thuật trước đây Việt Nam chưa làm được nay đã làm được, thực hiện ở trong nước khá phổ biến. Tiêu biểu như thực hiện thành công ca ghép phổi trên người. Sau thành công này, quy trình ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não đã phát triển ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 với nhiều kỹ thuật ghép khác nhau. Những kết quả này đã đưa trình độ khoa học và công nghệ về y dược ở nước ta theo kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tham dự Hội nghị tổng kết chương trình, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá cao những kết quả mà chương trình đạt được cũng như nỗ lực của Ban chủ nhiệm chương trình, các chuyên gia, nhà khoa học. Để tiếp tục duy trì và phát huy thành quả của chương trình KC.10/16-20 trong giai đoạn tiếp theo, Thứ trưởng cho biết, Bộ đang thay đổi trong công tác quản lý cũng như đang tập trung xử lý, điều chỉnh các thông tư, hướng dẫn quản lý các chương trình, thông tư tài chính để thực hiện tốt nhất chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo điều kiện nhất có thể cho những nhà khoa học đam mê cống hiến, tập trung cho chuyên môn và không gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Kim Bảo