Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo về tình hình quản lý, bảo vệ tài nguyên nước

Thứ ba, 4/6/2024 | 10:50 GMT+7
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, 3 nhóm vấn đề chính trong báo cáo bao gồm: quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, trên cả nước hiện có khoảng 40.200 công trình khai thác, sử dụng nước (29.860 công trình khai thác nước mặt, khoảng 10.346 công trình khai thác nước dưới đất). Tuy nhiên, đối với các hồ đập thủy lợi nhỏ, phần lớn do các xã, hợp tác xã, nông trường đầu tư xây dựng từ những năm 1970 đến 1980, trong điều kiện thiếu kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế nên chất lượng thiết kế, thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ thiết kế, thiếu kinh phí bảo trì nên bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm năng lực và hiệu quả phục vụ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Trong khi đó, rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước đang gia tăng do mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật trên lưu vực hồ chứa đang có chiều hướng gia tăng.

Ảnh minh họa

Về phương hướng khắc phục, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi 11 quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm điều hòa, phân bổ nguồn nước cũng như sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại của hạn hán, thiếu nước; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu vận hành của 134 hồ chứa, đập dâng lớn, quan trọng trên 11 lưu vực, phục vụ việc giám sát, vận hành liên hồ, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hòa phân phối nguồn nước trên 11 lưu vực.

Phối hợp với các cơ quan cập nhật, xây dựng kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu gắn với nhu cầu chi tiết của ngành, địa phương, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Các cơ quan đã xây dựng bản đồ rủi ro lũ và ngập lụt cho 24 lưu vực sông trên toàn quốc phục vụ quy hoạch và phòng chống thiên tai.

Khi hạ tầng kỹ thuật bảo đảm, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng đến vận hành an toàn hồ chứa theo thời gian thực, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nước và đảm bảo 100% hồ chứa thủy điện lớn được kiểm soát, giám sát trực tuyến.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thông tin thêm, hiện nay, hiệu quả sử dụng nước ở Việt Nam chỉ bằng 1/8 trung bình thế giới. Hiệu quả sử dụng nước được đo bằng tỷ lệ giá trị USD tạo ra với khối lượng nước được sử dụng, dựa trên hoạt động kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do Việt Nam chưa có hệ thống công cụ ra quyết định phục vụ xây dựng kịch bản nguồn nước, điều hòa, phân phối tài nguyên nước thống nhất trên lưu vực sông. Việc này dẫn đến điều phối khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương chưa tối ưu hóa lợi ích kinh tế xã hội. Nguồn nước bị lãng phí, chưa đáp ứng nhu cầu về an ninh nước sạch, lương thực và năng lượng. Tình trạng mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước gia tăng do lợi ích kinh tế giữa thủy điện, thủy lợi và công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đã xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nước trực tuyến. Công nghệ này có thể tự động giám sát việc xả dòng chảy tối thiểu trên lưu vực và giám sát các chỉ tiêu thực hiện quy hoạch tài nguyên nước. Đồng thời, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu các đề tài cấp quốc gia về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai công trình điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nước trên hệ thống sông lớn. Công trình bổ sung nước ngọt cho vùng ven biển phục vụ dân sinh, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp đang được thực hiện. Thời gian tới, Bộ sẽ tự động hóa công tác quản lý hạ tầng ngành nước, nhất là hệ thống giám sát, cảnh báo, dự báo nguồn nước, thiên tai.

Một vấn đề đáng lo ngại khác là tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước do “sức ép” của quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa tăng nhanh. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã đến lúc phải xem đây là một trong những vấn đề cần được ưu tiên triển khai trong những năm tới nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái và các giá trị của nguồn nước đã mất đi do quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng.

Báo cáo cho biết, hiện nhiều hệ sinh thái biển tại Việt Nam đang suy giảm nhanh do sự khai thác quá mức và tác động tiêu cực của các hoạt động kinh tế - xã hội. Bên cạnh nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển… cũng có cùng số phận. Sự gia tăng chất thải ra cửa sông, ven biển, tình trạng ô nhiễm trên diện rộng tại các vùng cũng làm ảnh hưởng lớn đến tài nguyên nước, sinh vật, các ngành kinh tế gắn với biển.

Vì vậy, nếu không có giải pháp hiệu quả, các hệ sinh thái biển, sinh cảnh quan trọng, nguồn lợi thủy sản sẽ tiếp tục bị suy thoái. Ngoài ra, khả năng thiếu nước ngọt cục bộ sẽ tiếp tục xảy ra tại một số vùng ven biển và hải đảo, nhất là ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long; ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ven biển ngày càng nghiêm trọng.

Theo nhandan.vn