Nông nghiệp sạch

Đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển thị trường nông sản Việt

Thứ sáu, 12/4/2024 | 16:40 GMT+7
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo chất lượng, an toàn thực phẩm và phát triển thị trường.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp đến từ 3 chữ “biến” (biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới). Việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường, tối ưu hóa thị trường là vấn đề lớn trong bối cảnh thị trường ngày càng khắt khe hiện nay. Trong khi đó, vấn đề này có liên quan đến chất lượng an toàn thực phẩm, văn hóa tiêu dùng, tâm lý của người tiêu dùng. Vì vậy, đã đến lúc phải gắn chặt hoạt động thị trường của doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan chức năng; đến lúc chuẩn bị phân loại các thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng, thị trường ngách, thị trường cơ hội… với vấn đề an toàn, bền vững.

Đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển thị trường nông sản Việt

Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) đã thông tin về thực trạng và chỉ đạo công tác chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường. Cụ thể, thời gian gần đây ngành nông nghiệp ghi nhận sự tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản so với những năm trước, đặc biệt là từ năm 2016, khi Quốc hội thực hiện các biện pháp chiến lược và tăng cường giám sát chuyên sâu về an toàn thực phẩm.

Các chỉ số thống kê cho thấy mức độ đảm bảo an toàn thực phẩm đã được nâng cao đáng kể, điển hình như vào quý I/2024, tỷ lệ các cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đạt 99,4%, tỷ lệ cơ sở ký cam kết đạt 92% và tỷ lệ sản phẩm đạt yêu cầu đạt 99,6%, hơn 2.500 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn được duy trì. Bên cạnh đó, công tác mở cửa thị trường tiếp tục được chú trọng.

Đến nay, sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là minh chứng cho sự cam kết, nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc mở rộng thị trường nông sản Việt do nguồn cung và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, vẫn còn cảnh báo và hàng bị trả về, sản phẩm chưa đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để giải quyết tình trạng đó, ông Nguyễn Như Tiệp đề xuất, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về thương hiệu nông sản; khẩn trương có giải pháp khai thác hiệu quả các nhãn hiệu đã được chứng nhận, bảo hộ. Hoàn thiện quy hoạch và tổ chức vùng sản xuất nguyên liệu lớn; tổ chức phối hợp, cung cấp thông tin, tập huấn cho nông dân, cơ sở sản xuất phù hợp yêu cầu của thị trường và duy trì các bản tin thị trường. Tổ chức tọa đàm, diễn đàn kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông - lâm - thủy sản. Xây dựng, áp dụng các mô hình điểm để đánh giá, chuyển giao gồm: mô hình ban/tổ giám sát an toàn thực phẩm ở cấp xã và mô hình chuỗi giá trị ngành hàng gắn vùng nguyên liệu, hợp tác xã với hệ thống logistics.

Về vấn đề an toàn thực phẩm nông sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam mong muốn các hiệp hội và ngành hàng xây dựng kế hoạch vận động thành viên tham gia vùng nguyên liệu an toàn, tránh tình trạng "tranh mua, tranh bán" tại vùng nguyên liệu. Cần lập kế hoạch kêu gọi mỗi doanh nghiệp thành viên đăng ký vùng nguyên liệu để tạo điều kiện truy xuất nguồn gốc và bảo vệ quyền lợi của thành viên trong hiệp hội. Bộ NN&PTNT có thể hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện cho các thành viên hiệp hội phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện quản lý chặt chẽ để đảm bảo vùng nguyên liệu đạt chuẩn, chất lượng cao.

Trước đó, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm, để quản lý chặt chẽ chất lượng an toàn thực phẩm trong cộng đồng.

Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương được giao phối hợp với các phương tiện truyền thông để phổ biến kiến thức khoa học về an toàn thực phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tác hại của thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng trong phát triển thị trường.

Huyền Dung (T/H)