Kiểm soát chặt những nguồn thải lớn tại khu vực các tỉnh phía Bắc

Thứ hai, 21/8/2023 | 11:35 GMT+7
Tại Hội nghị giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực phía Bắc diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân yêu cầu kiểm soát chặt các nguồn thải lớn; chủ động kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, làng nghề.

Cụ thể, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, môi trường nước ta nói chung và khu vực phía Bắc nói riêng vẫn đang phải chịu nhiều áp lực lớn từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, vấn đề ô nhiễm môi trường tiếp tục có diễn biến phức tạp và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Do đó, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng cần được chú trọng và triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Do đó, hội nghị là dịp để các cơ quan quản lý về môi trường tại địa phương tập trung thảo luận những nội dung trọng tâm như: khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT; cơ chế phối hợp giữa Bộ TN&MT với các địa phương trong thời gian tới về công tác bảo vệ môi trường. Các vấn đề liên quan đến công tác thanh, kiểm tra bảo vệ môi trường; kiểm soát, giám sát các điểm nóng và ứng phó các sự cố môi trường; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại và các công cụ quản lý nhà nước khác về môi trường theo quy định.

Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng đề cập đến sự phối hợp của các Sở TN&MT trong công tác bảo vệ môi trường, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường theo đúng các mục tiêu đã được đề ra.

Quang cảnh hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thiên Phương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, trọng tâm của khu vực các tỉnh phía Bắc cần tập trung cho công tác kiểm soát ô nhiễm gồm: ô nhiễm không khí tại đô thị; ô nhiễm nước tại lưu vực sông; ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề; hoạt động khai thác khoáng sản; hoạt động quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể, trên cơ sở tổng hợp ý kiến đề nghị của một số địa phương, đề xuất giảm đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên và dự án có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đồng thời, giảm đối tượng phải cấp giấy phép môi trường và đẩy mạnh phân cấp cho địa phương thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với một số loại hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ…

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện một số Sở TN&MT của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cũng tham gia thảo luận và đề nghị Bộ xem xét, đưa ra hướng giải quyết cho một số vấn đề môi trường tại địa phương.

Ghi nhận những ý kiến góp ý của các đại biểu tham gia, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh về việc cần hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là việc sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát các cơ sở khai thác khoáng sản; thống nhất hoạt động quản lý chất thải sinh hoạt, kiểm soát chặt các nguồn thải lớn; chủ động kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, làng nghề…

Bảo An (T/H)